V-League 2020 đã hoãn hai lần vì dịch COVID-19 bùng phát, sau khi có hai vòng đấu trên khắp các mặt sân không khán giả và dự kiến cuối tháng 3 khai diễn trở lại. Ngày 25-3, VPF tiếp tục ra thông báo hoãn các giải đấu vô địch quốc gia đến ngày 14-4, kèm theo phiếu xin ý kiến 14 CLB đang chơi ở V-League với hai phương án thi đấu cho xong lượt đi.
Theo đó, V-League sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 29-5, hoặc từ ngày 1-5 đến 28-6. Các đội thi đấu tập trung ở khu vực phía Bắc trên bảy sân vận động: Thanh Hóa, Thiên Trường, Lạch Tray, Cẩm Phả, Hàng Đẫy, PVF, Mỹ Đình và dự phòng sân Việt Trì. Mỗi trận đấu có tổng cộng 100-120 người tham gia, bao gồm cả hai đội bóng phía sau cánh cửa đóng kín.
Cách tính toán của VPF khi cho đá tập trung sẽ rút ngắn quãng đường đi của các CLB, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch và tiết kiệm chi phí nếu đi bằng máy bay. Điều này còn giảm tải lịch thi đấu lượt về, cầu thủ duy trì phong độ, đóng góp cho đội tuyển quốc gia.
VPF cho các CLB chọn một trong hai cách chơi và gửi ý kiến của mình sau ba ngày (hạn chót ngày 29-3). Nhưng ngay lập tức, VPF nhận lại phản ứng dữ dội và không có lãnh đội nào đồng tình với các phương thức ra sân trong mùa dịch bệnh cả.
Sau hai vòng đấu không khán giả, V-League hoãn vì COVID-19 và VPF muốn bóng lăn trở lại nhưng đa số CLB đều từ chối. Ảnh: TRÂM ANH
Không chỉ các CLB phía Nam, miền Trung như Sài Gòn, TP.HCM, B. Bình Dương, HA Gia Lai, Quảng Nam… do gặp bất lợi nhiều thứ, mà những đội có “sân nhà” như Nam Định, Hải Phòng, Than Quảng Ninh đều không ủng hộ bóng lăn khi dịch bệnh COVID-19 chưa thể kiểm soát.
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức nói thẳng việc chống dịch rất phức tạp và khó khăn, là chuyện quốc gia đại sự chứ không phải chuyện riêng của bóng đá: “Tôi phản đối ý tưởng của VPF và không trả lời phiếu lấy ý kiến của họ. Vì sao? Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu tạm dừng mọi cuộc hội họp, tập trung trên 20 người; ngành y tế khuyến cáo người dân đừng ra đường, chưa kể AFC có lời khuyên các thành viên Liên đoàn Bóng đá châu Á “hãy làm việc ở nhà”… thì VPF lại làm chuyện ngược đời đi kêu gọi tụ tập đá banh.
Lúc này, theo tôi không có banh bóng gì hết. Mấy giải bóng đá lớn của thế giới còn hoãn cả năm, V-League là cái gì? Với riêng HA Gia Lai, nếu có thiệt hại cũng không đáng kể, vì làm bóng đá không có lãi. Tôi ví dụ mỗi mùa giải HA Gia Lai tiêu tốn khoảng 40 tỉ đồng, thu khoảng 20 tỉ đồng thì bây giờ thương lượng với cầu thủ giảm lương một nửa cùng giúp nhau qua mùa dịch bệnh, rồi đâu cũng vào đấy!
VPF cũng chả có quyền gì đòi các CLB đá tiếp trong thời điểm cả nước, cả thế giới đang gồng mình chống dịch bệnh. Ý tưởng của VPF đã sai thì làm sao bắt người khác thực hiện!
Ngay cả chuyện đá banh mà đóng cửa, không có khán giả đã không vui rồi, thà nghỉ luôn còn hơn. Ai lại đi tổ chức giải khi không dám chắc việc kiểm soát dịch bệnh ra sao là rất nguy hiểm. Cầu thủ không đá banh không chết, chúng tôi có thể nuôi họ cho đến khi nào hết dịch mới đá lại. Còn lúc này dại dột nghe theo VPF tụ tập đá banh mới chết. VPF cần phải hiểu sự an toàn và sức khỏe con người mới là quan trọng nhất”.