V-League không thể hủy như có ý kiến bi quan của một đại diện CLB cũng vì lo ngại cho an toàn sức khỏe của cầu thủ và các thành phần tham gia bóng đá trong mùa dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, đã lần thứ ba bất đắc dĩ, bóng V-League lại tiếp tục ngừng lăn giữa đại dịch sau hai vòng đấu vội vàng diễn ra trên sân không khán giả làm cầu thủ mất hứng.
Ngày 25-3, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ra thông báo hoãn V-League 2020 lẽ ra lăn bóng vào cuối tháng 3 phải dời lại đến ngày 15-4 do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến tình hình chung mọi mặt đời sống xã hội bị ngưng trệ. Chỉ vài ngày trước đó, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú còn rất sốt sắng đề xuất khả năng thi đấu các giải vô địch quốc gia (V-League, hạng nhất và Cúp quốc gia) trong mùa dịch, không thể chờ thêm “vì COVID-19 không biết bao giờ mới hết”.
Thế nhưng trong hoàn cảnh chung của thế giới, đặc biệt là khuyến cáo làm việc ở nhà của chủ tịch AFC trong cơn đại dịch, VPF sau khi xin ý kiến của cấp trên đã quyết định hoãn V-League 2020.
V-League mới đá hai lượt phải hoãn và chưa biết đến tháng 4 bóng có lăn lại như dự kiến hay không. Ảnh: TRÂM ANH
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống thi đấu các giải quốc gia bị rối loạn trong hoàn cảnh bất khả kháng và đặt ra những bài toán khó cho các nhà làm bóng đá Việt Nam.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết cần có phương án giải quyết phù hợp nhằm đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất cho đội tuyển quốc gia với các mục tiêu lớn vào cuối năm nay ở ba trận còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2022 và bảo vệ chức vô địch AFF Cup 2020.
Theo ông Tuấn, V-League không thể hủy và trong mọi hoàn cảnh, cầu thủ cần phải có các hoạt động nghề nghiệp. Các CLB cũng đang đối diện khó khăn khi vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương cho cầu thủ trong thời gian ngưng nghỉ. Việc này đồng thời cũng tạo ra những ảnh hưởng về mặt thương mại, về sự phát triển và sự ổn định của CLB. Nếu điều này diễn ra trong quá trình dài sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng.
VFF đang rất cố gắng đề ra các giải pháp với sự tính toán thật kỹ nhằm đảm bảo cho các CLB, cầu thủ duy trì hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Ông Tuấn cho biết việc các CLB di chuyển liên tục như khi giải đấu diễn ra bình thường rất dễ tạo ra lây nhiễm. VFF đang tính đến phương án tổ chức thi đấu tại một số địa điểm tập trung, làm sao để các CLB có thể di chuyển bằng ô tô, hạn chế tối đa việc di chuyển bằng máy bay. Điều quan trọng là các hoạt động chuyên môn cần đảm bảo cho cầu thủ duy trì thi đấu, qua đó đạt trạng thái phong độ tốt nhất khi đội tuyển tập trung trở lại.
Đấy là VFF tính chuyện tương lai, còn hiện tại V-League phải nghỉ vì dịch COVID-19.
V-League lận đận Các nhà tổ chức vẫn chưa có quyết định rõ ràng về việc tổ chức V-League theo hình thức nào sau ba lần tạm hoãn vì dịch COVID-19 không thể tập trung đông người. Nhiều địa phương đã khuyến cáo những cuộc hội tụ không quá 100 người đi kèm giải pháp y tế chặt chẽ để phòng ngừa lây nhiễm. Đấy chính là vấn đề khiến các trận đấu V-League đã và không thể diễn ra, dù ban tổ chức các sân đã đóng kín cửa không cho khán giả vào xem. Việc đá trên sân không có sự cổ vũ của khán giả chắc chắn không gây hứng thú, như cái cách HLV Nguyễn Văn Sỹ thổ lộ nếu không có người xem thì đừng nên tổ chức nữa. Bên cạnh đó, khả năng V-League khởi tranh ở một địa điểm cũng rất khó, vì mỗi trận đấu tính tổng số lượng cầu thủ, ban tổ chức, nhân viên hậu cần, phục vụ, quan chức,… đã vượt quá con số 100 rồi. V-League sẽ còn lận đận như rất nhiều giải đấu vô địch quốc gia trên thế giới, các giải thể thao lớn đều hoãn một năm hoặc vô thời hạn. |