Tài xế không được lái xe liên tục quá 3 tiếng vào đêm khuya?

(PLO)- Quy định về thời gian lái xe mới của Bộ GTVT nếu được thông qua dự kiến sẽ tác động đến gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải và hơn 1 triệu tài xế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008), Bộ GTVT đề xuất quy định thời gian lái xe liên tục vào ban đêm và giảm thời gian lái xe trong ngày đối với tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải (KDVT).

Giảm 2 tiếng làm việc trong ngày

Theo quy định hiện hành, thời gian làm việc của người lái ô tô KDVT không được quá 10 tiếng/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 tiếng. Tuy nhiên trong dự luật, cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể thời gian nghỉ ngơi đối với các tài xế KDVT.

Cụ thể trong một ngày, tài xế KDVT không được cầm lái quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút.

Theo dự thảo luật, thời gian cầm lái trong ngày của tài xế kinh doanh vận tải giảm 2 tiếng so với quy định hiện hành. Ảnh: V.LONG

Theo dự thảo luật, thời gian cầm lái trong ngày của tài xế kinh doanh vận tải giảm 2 tiếng so với quy định hiện hành. Ảnh: V.LONG

Đối với tài xế taxi, xe buýt, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu 5 phút. Các xe khác thời gian nghỉ tối thiểu 15 phút.

Bộ GTVT cho biết quy định trên để phù hợp với BLLĐ và đảm bảo sức khỏe của người lái xe, trong đó có sức khỏe của người lái xe vào ban đêm.

Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết rất ủng hộ quy định này. Nhiều năm làm tài xế KDVT, anh Hùng nhận thấy việc lái xe vào ban đêm rất buồn ngủ nên quy định lái xe 3 tiếng phải nghỉ 30 phút vào ban đêm cho tỉnh táo và trong ngày chỉ chạy xe 8 tiếng là phù hợp.

“Tất nhiên với quy định này, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về nhân sự, nếu không thêm tài xế thì thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách sẽ chậm lại nhưng đối với tài xế lại rất hợp lý để nghỉ ngơi…” - anh Hùng nói.

Cần đánh giá tác động

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết nhìn ở góc độ của người làm vận tải, khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau là khoảng thời gian xe tải hoạt động nhiều. Bởi đây là khung giờ đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, giảm độ hao mòn vỏ xe… Vì vậy, người vận tải chuyên nghiệp thường ưu tiên khung giờ hành chính để làm các thủ tục giao nhận hàng.

“Nếu người lái xe đã có kế hoạch thời gian làm việc trong ngày phù hợp, lựa chọn khung giờ vận hành hợp lý, giảm lượng xe tải và xe khách lưu thông vào giờ cao điểm thì tại sao chúng ta lại hạn chế thời gian lái xe liên tục xuống còn 3 tiếng và thời gian làm việc trong ngày xuống còn 8 tiếng?” - ông Quyền đặt câu hỏi.

Trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút.

Nhìn ở góc độ xã hội, ông Quyền dự báo quy định này khi ban hành sẽ có tác động ngược. Tức có một lượng xe đáng kể thường chạy vào khung giờ từ 22 giờ đến 6 giờ chuyển sang chạy vào khung giờ từ 6 giờ đến 22 giờ, trong đó có nhiều khung giờ cao điểm sẽ gia tăng áp lực ùn tắc giao thông và tăng thêm nguy cơ tai nạn giao thông.

Cạnh đó, ông Quyền cho rằng quy định này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, vì có một tỉ lệ đáng kể số chuyến xe nếu theo quy định hiện hành chỉ cần bố trí một tài xế thì theo quy định mới phải bố trí hai tài xế. Hoặc theo quy định cũ, doanh nghiệp bố trí hai tài xế thì nay phải bố trí ba tài xế và nhiều khi sẽ là bất khả thi vì hiện nay tài xế đường dài khó tuyển dụng.

“Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, tài xế đầu kéo rơmoóc đang thiếu 10%-20%. Do vậy, quy định này sẽ đẩy việc thiếu tài xế đường dài càng trở nên trầm trọng, gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, hành khách” - ông Quyền dự báo.

Đứng ở góc độ thực hiện Luật lao động, ông Quyền cho biết theo đặc thù của công việc, thực tế nhiều ngành nghề phải bố trí số giờ làm việc trong ngày nhiều hơn 8 tiếng và bố trí cho người lao động nghỉ bù vào thời gian sau đó. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định tài xế không được lái xe quá 10 tiếng/ngày là phù hợp. Quy định này đã đi vào cuộc sống và về phía hiệp hội không nhận được khiếu nại, kiến nghị về yêu cầu phải giảm giờ lái xe trong ngày của các doanh nghiệp và người lái xe.

“Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động nhiều chiều. Trường hợp Bộ GTVT chưa có nghiên cứu thí điểm cụ thể thì không nên đưa cụ thể vào luật, nếu xét thấy cần thì nên quy định theo hướng giao cho Chính phủ quy định cụ thể…” - ông Quyền nêu quan điểm.

Đồng tình quan điểm trên, anh Trần Văn Thắng, chủ một doanh nghiệp KDVT ở Hà Nội, cho biết doanh nghiệp vận tải đang trong thời gian vực dậy sau dịch COVID-19, nếu quy định này có hiệu lực thì doanh nghiệp tiếp tục đối diện với khó khăn khi phải mất thêm chi phí để tuyển tài xế. “Vì vậy, tôi mong Bộ GTVT cân nhắc kỹ” - anh Thắng nói.•

Quy định sẽ tác động trên 1 triệu tài xế

Bộ GTVT cho biết hiện cả nước có gần 90.000 đơn vị KDVT được cấp giấy phép KDVT bằng ô tô. Có khoảng 900.000 ô tô KDVT, trong đó có 308.776 xe khách và 566.870 xe tải các loại.

Số lượng tài xế KDVT trên 1 triệu người. Qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, mặc dù các địa phương đã tăng cường xử lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều tài xế vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 tiếng, chạy quá tốc độ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm