Số báo trước Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh vụ tài xế của khách sạn ở Cà Mau trong lúc di chuyển xe của khách vào nơi giữ xe đã đụng vào cột bê tông làm ô tô Mazda hư, thiệt hại 270 triệu đồng. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc công ty bảo hiểm hay chủ khách sạn phải chịu số tiền này. Người thì cho rằng tòa sơ thẩm tuyên công ty bảo hiểm phải chịu là có lý, người lại bảo cấp phúc thẩm xử phía khách sạn phải chịu là đúng.
Chúng tôi giới thiệu bài viết của ThS Từ Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) về vụ kiện hy hữu này.
Lỗi thuộc về tài xế khách sạn
Sau khi tham khảo hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, tôi cho rằng vấn đề mấu chốt trong vụ việc này là việc xác định tư cách người thứ ba trong quan hệ tranh chấp.
Khái niệm người thứ ba trong pháp luật nói chung và Luật Kinh doanh bảo hiểm nói riêng được hiểu là tất cả đối tượng không phải là một bên chủ thể của quan hệ hợp đồng. Trong vụ việc này, chủ thể của hợp đồng bảo hiểm là giữa chủ xe và Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành. Do đó, khi người làm công của khách sạn Hoàng Gia gây thiệt hại cho tài sản của chủ xe thì bên thứ ba chính là khách sạn Hoàng Gia.
Việc tài xế của khách sạn điều khiển xe của chủ xe vào nhà xe của khách sạn là thực hiện công việc do khách sạn giao chứ không phải là do chủ xe giao. Chủ xe giao chìa khóa cho tài xế của khách sạn xuất phát từ việc chủ xe là người đang lưu trú tại khách sạn nhằm để thực hiện hợp đồng lưu trú chứ không phải là trường hợp chủ xe cho phép tài xế có quyền quản lý, sử dụng chiếc xe.
Hành vi giao chìa khóa của chủ xe cho tài xế trong trường hợp này không phải là hành vi chuyển giao quyền quản lý, sử dụng tài sản nên không liên quan gì đến hợp đồng bảo hiểm. Chỉ khi nào chủ xe có hợp đồng giao xe cho tài xế của khách sạn chạy xe để phục vụ công việc riêng của chính chủ xe, khi đó nếu tài xế gây thiệt hại cho xe thì mới hoàn toàn thuộc trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm. Khi đó phía khách sạn mới không được xem là bên thứ ba trong tranh chấp.
Khách sạn Hoàng Gia nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: TRẦN VŨ
Ngoài ra, việc tài xế của khách sạn gây thiệt hại cho chủ xe không phụ thuộc vào việc tài xế ngồi trong xe hay hành vi tác động bên ngoài làm hư hỏng xe. Bởi vì bản chất và hậu quả là giống nhau, tức là đều gây thiệt hại cho chủ xe. Cạnh đó, việc tài xế có giấy phép lái xe hay chưa chỉ liên quan đến trách nhiệm hành chính theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chứ không liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 584 BLDS năm 2015, người có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại chỉ không phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Trong vụ việc này, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của tài xế là người làm công cho chủ khách sạn nên chủ khách sạn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 600 (bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra) của BLDS năm 2015.
Chủ khách sạn phải bồi hoàn tiền
Công ty bảo hiểm đã thực hiện việc bồi thường cho chủ xe là xuất phát từ quan hệ hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên. Còn việc chủ khách sạn bồi thường cho chủ xe là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của BLDS. Đây là hai quan hệ pháp luật khác nhau và không thay thế cho nhau. Bởi lẽ việc công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho chủ xe là hành vi gánh chịu thiệt hại thay cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên chứ công ty bảo hiểm không có trách nhiệm gánh chịu hậu quả thay cho người thứ ba.
Do vậy, việc công ty bảo hiểm bồi thường cho chủ xe không thay thế hay loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ khách sạn. Khi công ty bảo hiểm đã bồi thường thì chủ xe phải có trách nhiệm chuyển quyền cho công ty bảo hiểm yêu cầu người thứ ba là chủ khách sạn bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho công ty bảo hiểm theo quy định Điều 365 BLDS năm 2015; điểm e khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
Do đó, tôi cho rằng quan điểm xét xử của tòa án phúc thẩm trong vụ án này là phù hợp với các quy định của pháp luật.
Sửa xe hết 270 triệu đồng Theo hồ sơ, cha con ông T. đến khách sạn Hoàng Gia, phường 5, TP Cà Mau thuê phòng, ông T. đưa chìa khóa ô tô năm chỗ hiệu Mazda (xe do con ông đứng tên) cho khách sạn để đưa vào nhà xe. Trong lúc điều khiển xe ra vào nhà xe, tài xế của khách sạn đã vô ý đụng vào cột bê tông làm hư hỏng phần đầu xe. Chủ khách sạn đưa xe về TP.HCM sửa chữa và chấp nhận thêm một số chi phí khác khoảng 12 triệu đồng. Do có mua bảo hiểm thân xe nên chủ xe đã được Công ty Bảo hiểm PVI Bến Thành bồi thường toàn bộ chi phí sửa xe là 270 triệu đồng. Công ty bảo hiểm khởi kiện buộc chủ khách sạn bồi thường lại khoản tiền này theo quy định về trách nhiệm bồi thường của người thứ ba (Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000). Tòa sơ thẩm cho rằng xe có mua bảo hiểm vật chất nên bảo hiểm phải “gánh” hết. Tòa phúc thẩm lại lập luận chủ khách sạn phải chịu vì tài xế của khách sạn làm hỏng xe thì không thể buộc công ty bảo hiểm chi trả phí này... Án phúc thẩm đúng TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM), LS Trịnh Công Minh và LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (cùng Đoàn LS TP.HCM) đều cho rằng cấp phúc thẩm buộc chủ khách sạn phải bồi thường cho công ty bảo hiểm hơn 270 triệu đồng là đúng. Bởi Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rõ về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn: Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm. Xe của con ông T. đứng tên bị hư hỏng là do tài xế của khách sạn gây ra. Khi chiếc xe được giao cho tài xế khách sạn để thực hiện việc cất giữ xe là thực hiện công việc do khách sạn giao cho tài xế. Tài sản là chiếc xe được chuyển giao từ chủ xe cho phía khách sạn và phát sinh hợp đồng gửi giữ nên khi xe bị hư hỏng thì khách sạn phải chịu trách nhiệm. Như vậy không thể cho rằng vì chủ xe mua bảo hiểm mà buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường. NGÂN NGA ghi |