Tấm bản đồ số đem lại niềm vui cho người khuyết tật

Bản đồ tiếp cận DMAP song ngữ Việt - Anh trên nền tảng IOS và Android cung cấp thông tin về điểm đến mà người khuyết tật có thể tiếp cận, giúp nâng cao sự hòa nhập của người khuyết tật vào xã hội. Bản đồ DMAP cho phép mọi người có thể bổ sung thông tin về những điểm đến có khả năng tiếp cận, giúp cộng đồng nhận thức về nhu cầu hòa nhập chính đáng của người khuyết tật trong bối cảnh hạ tầng đô thị chưa đáp ứng.

Tấm bản đồ số đem lại niềm vui cho người khuyết tật ảnh 1
Buổi giới thiệu ứng dụng bản đồ tiếp cận Dmap thu hút rất đông Người khuyết tật đến tham dự.

Từ năm 2011 đến 2012, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) đã thực hiện dự án xã hội Bản đồ tiếp cận trên giấy. Trong dự án này, đội ngũ tình nguyện viên của DRD đã khảo sát trên 1.800 công trình tại địa bàn quận 1, 3, 10 bao gồm nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí, cơ sở khám chữa bệnh,… nhưng chỉ có 78 địa điểm là có các yếu tố thuận tiện với người khuyết tật. Kết quả khảo sát đã được DRD tổng hợp thành tấm bản đồ giấy mang tên Bản đồ tiếp cận.

Tấm bản đồ số đem lại niềm vui cho người khuyết tật ảnh 2
Chia sẻ cùng nhau cách sử dụng bản đồ

Trên nền tảng bản đồ tiếp cận trên giấy này, trong năm 2015, Trường ĐH Hoa Sen với vai trò là đối tác chính, đã hỗ trợ Trung tâm DRD để phát triển tiếp dự án thành bản đồ tiếp cận DMAP.

Tấm bản đồ số đem lại niềm vui cho người khuyết tật ảnh 3
Những câu hỏi liên tục được đặt ra

Bà Lưu Thị Ánh Loan (Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) chia sẻ: Người khuyết tật (NKT) cũng giống như các thành viên khác trong xã hội, họ cũng có nhu cầu tham gia vào các hoạt động của xã hội không chỉ liên quan tới việc làm, giáo dục, y tế mà còn có các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có tụ tập bạn bè, đi công viên, siêu thị hay quán ăn, bảo tàng,…

Tấm bản đồ số đem lại niềm vui cho người khuyết tật ảnh 4
Bà Lưu Thị Ánh Loan (Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD)

“Thiếu thông tin là một trong những rào cản khiến NKT ngại ra ngoài, cộng thêm những công trình/dịch vụ được thiết kế không thuận tiện càng làm NKT gặp khó khăn hơn khi hòa nhập. Việc NKT bị hạn chế cơ hội ra ngoài cũng góp phần tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Về lâu dài, Trung tâm kỳ vọng nhận thức của ngày càng nhiều người trong xã hội sẽ tác động tích cực đến hành vi của người dân và cơ quan chính quyền để các công trình công cộng như công viên, công sở, văn phòng, quán xá được điều chỉnh và xây dựng theo hướng tiếp cận" - bà Loan khẳng định.

Tấm bản đồ số đem lại niềm vui cho người khuyết tật ảnh 5
Ông Nguyễn Lưu Bảo Đoan Trưởng phòng hợp tác Quốc tế Trường ĐH Hoa Sen

Nguyễn Thị Thanh Hoa (Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2015) không dấu được niềm vui, hạnh phúc khi nói về bản đồ tiếp cận Dmap.

“78/1.800 chỉ là con số rất khiêm tốn nhưng bản đồ sẽ giúp chúng mình nhất là những bạn khuyết tật nặng hơn, phải di chuyển bằng xe lăn dễ dàng tiếp cận hơn với những công trình công cộng có điều kiện cơ sở vật chất mà NKT có thể sử dụng được... Đến nhiều công viên mình thấy rất nhiều nơi không có lối dốc để đẩy xe lăn lên, nhà vệ sinh thì bánh xe lăn vào không được, phải nhờ người bế cả người và xe lăn rất bất tiện. Mình hy vọng rằng bản đồ này sẽ liên tục được mọi người chung tay cập nhật để những địa điểm thuận lợi phù hợp với NKT được chia sẻ. Ngoài ra từ đó, những địa điểm chưa có trên bản đồ sẽ có hình thức sữa chữa để NKT cũng có thể sử dụng, những công trình công cộng mới chỉ một vài hạng mục đáp ứng (chỉ có thang máy, lối ra vào hoặc nhà vệ sinh…) cũng sẽ dần hoàn thiện các hạng mục còn lại.”

Tấm bản đồ số đem lại niềm vui cho người khuyết tật ảnh 6
Ban tổ chức chương trình cùng chụp ảnh lưu niệm

Buổi lễ này nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Đại học Hoa Sen.

Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào ngày 3-12-2005 dưới sự hỗ trợ ban đầu của Quỹ Ford. DRD hiện trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). DRD đang nỗ lực từng ngày góp phần xây dựng một xã hội công bằng và không có rào cản cho người khuyết tật (NKT). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm