“Con cảm ơn cô! Mai con về đất liền rồi, cô ở lại mạnh khỏe nhen cô!”. Nói xong câu tạm biệt với cô giáo Nhung, người đã bao năm rèn dạy mình nơi đảo sóng, Hiền quay lưng bật khóc. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày cắp sách vào lớp đảo, cậu thiếu niên 12 tuổi mới khóc như thế với cô giáo mình.
Ngày mai Võ Viết Hiền sẽ xa Trường Sa, theo đoàn công tác về đất liền để học lên lớp 6. Lớp 6, với Hiền nghĩa là sẽ xa nắng gió của xứ đảo, là sẽ không còn những trưa hè đi nhặt hoa tra làm vòng đeo cho mấy nhóc nữ lớp nhỏ, “Sẽ lâu lắm, con nghĩ thế, con mới được về lại Trường Sa”…
1. Năm năm học ở Trường Sa với Hiền là cả một vùng trời kỷ niệm đầy ắp nắng gió, đầy ắp thương yêu. “Con sẽ rất nhớ cái bàn chỉ của riêng mình trong lớp học ở đảo”.
Cái lớp học đặc biệt của Hiền ở Trường Sa đúng là độc nhất vô nhị - cái lớp “5 trong 1” ấy. Tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều học chung một phòng. Hướng nào của phòng cũng đều có bảng đen, còn ô vuông ở giữa là “ngôi nhà chung” cho các công dân mầm mon và cả lớp học vào giờ ra chơi.
Lớp 5, duy chỉ có Hiền ngồi ở một bàn. Hiền nhớ nhỏ My Sen lớp 3 bên cạnh, người hay bị anh Hiền chọc khóc nhiều nhất. Nhớ cu Anh Đức lớp 2, luôn đồng hành với mình trong những cuộc đua xe đạp với các chú bộ đội. Nhớ bé Quỳnh Hương, Phương Anh mới chỉ lớp 1, hay giành nhau những món đồ chơi. “Và cả Hồng Hương - con bé đen nhứt đám nhưng có đôi mắt to tròn, đẹp nhất lớp nữa chú” - mắt Hiền ánh lên bao cảm xúc.
Hiền sẽ rất nhớ cô giáo Nhung, cứ mỗi lần lên lớp phải xoay bốn hướng để dạy cho từng đứa. Khi cô dạy toán lớp 5 cho Hiền thì dặn các bạn lớp 3 xem lại bài cũ. Xong lớp 5, cô quay sang kiểm tra bài vở cho các bạn lớp 3. Xong, cô lại hướng dẫn tập đọc cho các em lớp 2, rồi lại quay sang hướng dẫn tô màu cho các công chúa lớp 1... Hiền lớn lên từng ngày trong cái vòng xoay thương yêu ấy. Hiền biết vẽ, rồi vẽ đẹp. Biết học chữ, viết câu, rồi tả được rất nhiều những bài văn hay. Hiền yêu biển, yêu trời, yêu hình ảnh người lính đảo qua những bài thơ, câu hát của cô giáo.
1-3. Võ Viết Hiền những ngày trên đảo Trường Sa.
2. Buổi tiệc chia tay của những công dân tí hon trên đảo để tiễn lớp trưởng “5 trong 1” Viết Hiền vào đất liền học lớp 6. Ảnh: MINH CƯỜNG
Cô giáo Nhung nói: “Hiền tinh nghịch nhưng nhạy cảm. Em ấy học toán rất khá, viết văn mộc mạc nhưng ăm ắp cảm xúc, tình người”. Hiền là “thủ lĩnh” của cả nhóm, luôn gương mẫu trong chuyện học và là đứa dẫn đầu đoàn xe đạp chạy lòng vòng trên đảo và dàn xếp cả những cãi vã, xích mích của mấy đứa nhỏ.
2. Những đứa trẻ ở Trường Sa thường ngày ít khi đội nón, chạy xe ào ào quanh đảo và lớn lên chắc nịch trong nắng gió. Ở đây, ngoài giờ học, Hiền hay cùng với Chinh Si và Anh Đức đi xem các chú bộ đội tập võ và được mấy chú tranh thủ tập cho vài miếng. “Con không thích người xấu và những ai ức hiếp người khác. Con sẽ ráng học để thực hiện ước mơ của mình là làm chú cảnh sát biển”. “Tại sao?”. “Vì con coi trên tivi thấy chú cảnh sát đẹp và còn trấn áp được người xấu nữa”.
Với những đứa trẻ trên đảo, hình ảnh những người lính biển ngày đêm bồng súng canh giữ biển trời là hình ảnh đẹp nhất, thường xuất hiện trong những giấc mơ nhất. Chinh Si tinh nghịch thì mơ ước được làm chú bộ đội. My Sen thích làm cô hải quân xinh đẹp, can trường. Hồng Hương thì mơ ước sau này thành bác sĩ, như bác sĩ Mừng trên đảo, để ngày đêm cứu chữa, săn sóc cho người dân đảo. Còn Quỳnh Hương, cô bé hay bẽn lẽn, thì… rất bẽn lẽn khi nói về ước mơ thầm kín của mình: Muốn thành cô giáo như cô Nhung.
Ngày sắp về, Hiền tần ngần đi qua lại trước lớp. Ngày hè lớp đóng cửa im ỉm. Hiền đứng lặng nhìn những bức tranh tiêu biểu của cả lớp dán trước cửa. Bức tranh cuối cùng Hiền vẽ về con tàu HQ 732 đang bình yên thả neo trong hoàng hôn, chú bộ đội đang câu cá, mặt trời đỏ trên đầu và lá quốc kỳ phần phật trong gió. Một bức tranh thanh bình!
Hiền đi vòng ra những hàng tra xanh chạy dọc theo sống lưng của đảo. Hàng tra che nắng, che mưa cho đảo, cho Hiền cả một tuổi thơ. Hiền thích nhất hoa tra. Hoa trắng nhỏ, thơm hương biển cả. Hiền hay hái hoa làm vòng tay cho mấy bạn nhỏ. Bên gốc tra xanh, những ngày hè cuối ở đảo, bỗng thấy Hiền trầm tư nhiều. Cái vẻ trầm tư của một cậu bé biển cả bắt đầu biết nghĩ chuyện tương lai nhìn vừa buồn cười, vừa đáng yêu đến lạ.
3. Tàu cập cảng rồi. Con tàu sẽ đưa Hiền về đất liền trong khuya nay. Hiền đạp xe lòng vòng chào mọi người. Chào chú Hải đảo trưởng, người lúc nào trông cũng khó tính nhưng đêm đêm hay ra chạy xe đạp mini với cả đám. Tạm biệt anh Ngưng chăn heo tốt tính.
Còn 3 giờ nữa là tàu nhổ neo. Cả lớp hẹn Hiền ra ngồi ngay bãi cỏ, trước cột mốc chủ quyền của Trường Sa Lớn, nơi ngày ngày cả đám hay tụ tập, để liên hoan giã biệt. Bữa tiệc được thắp sáng bằng chiếc đèn pin mini, một bọc kẹo và hai quả bưởi của thầy trụ trì chùa Trường Sa cho. “Con My Sen đừng có giận tao nữa nha. Nếu năm tới mày làm lớp trưởng thì không được ăn hiếp mấy đứa nhỏ. Thằng Anh Đức làm chứng cho chuyện này, có gì viết thư cho tao hay” - Hiền căn dặn cả nhóm. “Nếu chị My Sen nhéo em thì em làm sao?”. Thằng Anh Đức nói khiến My Sen gườm một cái.
“Em không ăn hiếp tụi nhỏ như anh… ăn hiếp em đâu!” - My Sen tinh nghịch trả lời Hiền. Cả đám líu ríu đủ chuyện trên trời dưới đất khiến ai cũng quên chuyện chia tay sắp diễn ra. Duy chỉ có bé Quỳnh Hương, đứa hay được Hiền bảo vệ, nét mặt buồn thiu, mắt long lanh ngấn nước...
Rồi đến giờ mấy đứa nhỏ phải về nhà ngủ theo quy định. Hiền đứng trên mạn tàu nhìn các anh chị, cô chú chia tay nhau. Mắt em rảo tìm những hình ảnh thân thương của các bạn nhỏ xứ đảo trên cầu tàu. Lúc này Hiền không khóc như khi chiều qua chào cô giáo.
Gió rít lạnh. Hiền ôm cánh tay, áp sát vào người cha của mình, ngại ngần hỏi: “Vào đất liền học có khó không ba? Con nghe nói mấy bạn trong đó học dữ lắm, nhất là môn tiếng Anh và vi tính, hai món con chỉ mới được học chút chút ở đảo à”. Ba Hiền ân cần: “Hồi chị con từ đảo vào học lớp 6 cũng phải cố gắng phấn đấu mới theo kịp mấy bạn. Con muốn sau này làm cảnh sát thì phải dũng cảm lên. Mình chịu khó chú ý, cần cù học tập thì sẽ bắt kịp bạn bè thôi”. Bàn tay to lớn của người cha ủ bàn tay nhỏ bé của Hiền.
* * *
Tàu rúc ba hồi còi. Tiếng còi tạm biệt rền lên giữa màn đêm biển cả như chạm đến tận cùng nỗi niềm của cả những người đi và người ở lại. Từ nay Hiền sẽ tạm xa đảo để vào đất liền thực hiện ước mơ mai này làm cảnh sát biển. Cậu thiếu niên vẫn đứng ôm cha mình trên mạn tàu nhìn về phía đảo cho đến khi hút bóng.
Giữa lòng biển khơi, mắt Hiền vẫn hướng về ngọn hải đăng hực chiếu ở Trường Sa Lớn, dòng ánh sáng xuyên thấu qua bóng đêm đen nghịt.
MINH CƯỜNG