Tổng thống Hàn Quốc (HQ) Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida sẽ gặp nhau tại Tokyo trong tuần này, với hy vọng nối lại các chuyến thăm thường xuyên sau 12 năm và vượt qua những bất đồng đã có từ hơn 100 năm trước, theo hãng tin AP.
Để làm ấm lại quan hệ, gần đây, HQ đã đồng ý dùng quỹ từ các công ty tư nhân để bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến. Tuy nhiên, theo một khảo sát được Gallup Korea công bố hôm 10-3, 59% người dân HQ không đồng ý với giải pháp này của chính phủ.
Cùng với lao động thời chiến, vấn đề “phụ nữ mua vui” trước và trong Thế chiến II đã trở thành những rào cản lớn trong quan hệ Nhật - Hàn từ nhiều năm qua.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: AP |
Những bất đồng trong lịch sử
Bán đảo Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật trong giai đoạn 1910 - 1945. Trong thời gian này, người Nhật đã áp đặt chế độ lao động cưỡng bức, ép nhiều người làm “phụ nữ mua vui” trong các nhà thổ quân sự.
Theo hiệp định bình thường hóa quan hệ năm 1965, Nhật trao 800 triệu USD bồi thường cho chính phủ HQ. Số tiền này sau đó được dùng cho các dự án phát triển kinh tế do các công ty HQ đảm trách.
Năm 1995, chính phủ Nhật đã đưa ra lời xin lỗi vì đã gây ra nỗi khổ cho người dân nhiều nước trong quá trình xâm chiếm thuộc địa. Tuy nhiên, nhiều người dân HQ cho rằng chính phủ Nhật phải chịu trách nhiệm một cách trực tiếp hơn về việc chiếm đóng.
Theo AP, trong nhiều năm, Seoul và Tokyo đã cố gắng thiết lập mối quan hệ nồng ấm hơn. Năm 2004, các nhà lãnh đạo hai nước bắt đầu có những chuyến thăm thường xuyên. Tuy nhiên, những chuyến thăm như vậy không còn được tiếp tục sau khi cựu Tổng thống HQ Lee Myung-bak đến thăm quần đảo tranh chấp giữa hai nước vào năm 2012.
Quan hệ hai nước thêm căng thẳng khi vào năm 2018, Tòa án Tối cao HQ ra phán quyết yêu cầu các công ty công nghiệp nặng của Nhật, bao gồm Nippon Steel và Mitsubishi, phải bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức. Năm 2019, Nhật đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với HQ. Các biện pháp kiểm soát này nhằm vào các chất được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện tử.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Ảnh: AP |
Mong đợi gì từ chuyến thăm của Tổng thống HQ đến Nhật?
Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida sẽ gặp và ăn tối cùng nhau trong chuyến thăm từ ngày 16 đến ngày 17-3 của ông Yoon. Mặc dù các nhà lãnh đạo đã gặp nhau trong nhiều các cuộc gặp đa phương, bao gồm bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9-2022, nhưng đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước trực tiếp thảo luận với nhau trong cuộc gặp song phương sau nhiều năm.
AP cho rằng trong cuộc gặp lần này, chính phủ Nhật sẽ một lần nữa thể hiện sự hối lỗi về những hành vi trong thời chiến của mình.
Cuộc gặp lần này được cho là tín hiệu khởi đầu cho việc nối lại các chuyến thăm song phương thường xuyên giữa hai nước. Tokyo cũng đang xem xét gửi lời mời ông Yoon trở lại Nhật với tư cách quan sát viên tại hội nghị thượng đỉnh G7, được tổ chức tại Hiroshima vào tháng 5.
Trong chuyến thăm lần này, ông Yoon sẽ đi cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp HQ cũng sẽ có cuộc gặp với các đối tác Nhật. Ông Masakazu Tokura - chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật, cho biết doanh nghiệp hai bên đang xem xét thành lập một quỹ tư nhân để thúc đẩy kinh tế, văn hóa song phương và các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác.
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Đông Á tại Phnom Penh, Campuchia vào năm 2022. Ảnh: AP |
Ý nghĩa của chuyến thăm
Washington rất mong muốn các đồng minh của mình thắt chặt quan hệ. Theo AP, phía Mỹ cũng đã làm việc tích cực để giúp cuộc gặp lần này được diễn ra. Đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel cho biết Mỹ, Nhật, Hàn đã có khoảng 40 cuộc gặp ba bên. Ông cho rằng sự hợp tác trong quá trình này đã giúp các bên xây dựng lòng tin.
Seoul và Tokyo tuần trước cũng đã công bố kế hoạch đàm phán để khôi phục quan hệ thương mại của 2 nước. Điều này có thể làm giảm áp lực lên chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Các quan chức HQ cho biết việc hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với Tokyo trở thành vấn đề quan trọng trong bối cảnh thế giới đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Nhu cầu tăng cường hợp tác giữa HQ và Nhật chưa bao giờ lớn như vậy. Điều này có ý nghĩa trong kỷ nguyên khủng hoảng phức tạp, do những bất ổn về địa chính trị toàn cầu, hoạt động thử tên lửa, hạt nhân liên tục của Triều Tiên và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng” - Thứ trưởng Ngoại giao HQ Cho Hyundong nói.
Lời giải cho những bất đồng lịch sử
Các chuyên gia cho rằng hai nước sẽ phải tìm một sự điều chỉnh trong cách giải quyết các vấn đề lịch sử, nếu muốn cuộc gặp lần này mang lại kết quả lâu dài.
Người nhà các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến giơ tay ăn mừng sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018. Ảnh: AP |
Bà Choi Eun-mi - nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của HQ - cho biết cuộc gặp sẽ không thay đổi quan điểm của người dân HQ nếu nó chỉ bàn đến các vấn đề an ninh và kinh tế. “Nhật, đặc biệt là chính phủ Nhật và các công ty có liên quan đến lao động cưỡng bức, phải có biểu hiện xin lỗi và tự kiểm điểm” - bà nói.
Theo AP, Seoul đã nhượng bộ đáng kể trước thềm cuộc gặp khi thông báo kế hoạch sử dụng quỹ từ các công ty tư nhân để trả tiền bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức. Quỹ này sẽ huy động tiền của các công ty HQ được hưởng lợi từ hiệp định năm 1965.
Kế hoạch đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nạn nhân lao động cưỡng bức còn sống và các chính trị gia đối lập. Các quan chức HQ cho biết luật pháp nước này cho phép bên thứ ba bồi thường và họ sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục các nạn nhân chấp nhận khoản bồi thường này.
Các quan chức HQ cho biết họ không yêu cầu Nippon Steel và Mitsubishi đóng góp quỹ cho các nạn nhân lao động cưỡng bức ngay lập tức. Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi cũng cho biết các công ty nước này có thể tự nguyện đóng góp vào quỹ bồi thường này.