Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử giám đốc thẩm, tuyên chấp nhận kháng nghị của VKSND cùng cấp, tuyên hủy quyết định (QĐ) phúc thẩm và QĐ tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng luật.
Trước đó, TAND TP Sóc Trăng và TAND tỉnh Sóc Trăng đã tạm đình chỉ vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, việc tạm đình chỉ này trái luật khiến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.
Theo hồ sơ, tháng 6-2017, TAND TP Sóc Trăng thụ lý vụ kiện giữa nguyên đơn Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) với bị đơn là Công ty A. Theo đó, tháng 4-2014, Agribank cho Công ty A. vay vốn để kinh doanh theo hợp đồng tín dụng hai bên đã ký. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, Công ty A. đã ký hợp đồng thế chấp các tài sản gồm hệ thống máy móc, thiết bị của công ty thuộc kho lạnh, dây chuyền chế biến thức ăn và hàng hóa tồn kho của công ty.
Do Công ty A. vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Agribank khởi kiện yêu cầu phải trả nợ gốc hơn 125 tỉ đồng và lãi đến ngày 30-4-2017. Trong trường hợp Công ty A. không trả nợ thì Agribank có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản thế chấp.
Đến tháng 9-2017, TAND TP Sóc Trăng ra QĐ tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do: “Hiện nay, giữa các thành viên công ty đang có tranh chấp về việc góp vốn, TAND tỉnh Sóc Trăng thụ lý vụ án tranh chấp giữa các thành viên công ty theo thông báo thụ lý vụ án ngày 10-1-2017 và chưa giải quyết xong”. Không đồng ý, Agribank kháng cáo yêu cầu TAND tỉnh hủy QĐ tạm đình chỉ để TAND TP Sóc Trăng tiếp tục giải quyết.
Tháng 3-2018, TAND tỉnh Sóc Trăng ban hành QĐ phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo của Agribank, giữ nguyên quyết định tạm đình chỉ vụ án. Agribank tiếp tục có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy hai QĐ sơ thẩm và phúc thẩm. Trên cơ sở báo cáo của VKSND tỉnh Sóc Trăng, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với QĐ phúc thẩm nêu trên.
Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị này, hủy toàn bộ QĐ tạm đình chỉ giải quyết vụ án, giao hồ sơ về cho TAND TP Sóc Trăng tiếp tục giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung.
Theo hội đồng giám đốc thẩm, vụ tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty có nội dung người đại diện theo pháp luật của Công ty A. khởi kiện yêu cầu công nhận toàn bộ vốn của công ty là của mình. Theo ông này, các thành viên khác chỉ là người đứng tên hộ, thực chất họ không góp vốn như giấy đăng ký kinh doanh.
Việc giải quyết vụ kiện này là mang tính chất nội bộ của công ty, kết quả giải quyết vụ án này không liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của Công ty A. với ngân hàng. Bởi Ngân hàng Agribank cho Công ty A. vay vốn để kinh doanh thông qua hợp đồng tín dụng.
Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, Công ty A. đã thế chấp các tài sản là hệ thống máy móc, thiết bị thuộc kho lạnh, dây chuyền chế biến thức ăn thủy sản và hàng hóa tồn kho. Các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đều do người đại diện theo pháp luật của công ty ký, tài sản thế chấp là của công ty và do công ty quản lý.
QĐ phúc thẩm nhận định: Cần phải xác định được phần vốn góp của các thành viên trong công ty trên cơ sở đó để xác định trách nhiệm trả nợ của công ty nên cần tạm đình chỉ giải quyết vụ án… Theo hội đồng giám đốc thẩm nhận định trên là không phù hợp với Điều 13 và Điều 51 Luật Doanh nghiệp.
Việc tranh chấp giữa Công ty A. với các thành viên công ty không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của công ty này với ngân hàng. Vì vậy không có căn cứ xác định việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa công ty với ngân hàng liên quan tới việc giải quyết vụ án tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty. Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng pháp luật khiến kéo dài vụ kiện ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự.