Sáng nay, 25-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh có buổi trao đổi với báo chí về lý do vì sao Bộ Công Thương lại có kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Nhu cầu đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có gạo tăng rất nhanh, bắt đầu xuất hiện nhu cầu dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống trong giai đoạn dịch bệnh.
Trong khi đó, hai tháng đầu năm xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung của giá cả thế giới, tăng từ 20%-25%, tùy mặt hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ thông tin về xuất khẩu gạo, sáng 25-3. Ảnh: AN HIỀN
Đứng trước tình hình đó, Bộ Công Thương lo ngại nếu như xuất khẩu gạo trong tháng 3 vẫn diễn tiến như hai tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đứng trước rủi ro thiếu gạo.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn xuất khẩu gạo. Phương án nữa cũng có thể xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo.
Sau khi cân nhắc và lắng nghe ý kiến các bộ, ngành thì Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo cho đến tháng 5.
Trên tinh thần đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24-3.
“Tuy nhiên, sau khi Tổng cục Hải quan quan chỉ đạo cho các địa phương như vậy chúng tôi có nhận được ý kiến của một số DN ở một số tỉnh, họ nói có thể có độ vênh nhất định giữa số liệu mà Bộ Công Thương có và số liệu của các tỉnh, các DN đang có.
Đặc biệt là số liệu về sản lượng tại đồng bằng sông Cửu Long, số liệu về lượng gạo còn tồn ở trong dân và trong DN, đặc biệt là dự trữ 5% mà các DN có nghĩa vụ phải dự trữ” - ông Khánh nói.
Xuất phát trên tinh thần đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các DN, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo. “Sau khi báo cáo lại thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Liên quan đến độ vênh số liệu, Bộ Công Thương cho rằng đây là điều dễ hiểu vì lượng gạo sản xuất, lượng ký hợp đồng và lượng tồn kho để chúng ta có cơ chế nắm rất chặt thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo thì không còn số liệu này nữa, các DN không phải đăng ký hợp đồng, không phải thông báo về số lượng đã ký hợp đồng, số lượng đã xuất khẩu, số lượng còn tồn kho...
Trước đó, ngày 23-3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, bộ trưởng Bộ Công Thương đã có đề xuất về việc tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5-2020.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, mục đích của việc tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.
Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo hỏa tốc truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất này. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa việc tạm dừng xuất khẩu gạo theo trình tự thủ tục rút gọn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạm dừng việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24-3.
Ngay sau đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 0 giờ ngày 24-3.
Sau khi Tổng cục Hải quan ban hành công văn này thì chiều 24-3, Bộ Công Thương lại có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chưa thực hiện việc tạm dừng xuất khẩu gạo.