“Sự việc xảy ra mấy ngày qua là rất đáng tiếc. Tôi thấy bản thân có khuyết điểm, có trách nhiệm lớn với ngư dân Sầm Sơn” - sáng 7-3, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nói tại buổi đối thoại với ngư dân Sầm Sơn liên quan đến dự án quy hoạch “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương”.
Suốt nhiều ngày qua, hàng trăm người dân Sầm Sơn tụ tập trước UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu trả lại bờ biển đã giao cho Tập đoàn FLC để thực hiện dự án trên.
“Xin” 1 km bờ biển
Từ sáng sớm, hàng trăm ngư dân đổ về hội trường Trung tâm Thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn với mong muốn duy nhất: Lãnh đạo tỉnh phải dành một phần bờ biển cho họ tiếp tục neo đậu bến thuyền để ra khơi đánh bắt.
Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, giải thích: Để đưa Sầm Sơn trở thành bãi biển lớn nhất Việt Nam, tỉnh quyết định giao 3,5 km bờ biển để Tập đoàn FLC cải tạo, nâng cấp. Dự án sẽ tạo ra môi trường du lịch thân thiện, giúp Sầm Sơn trở thành địa điểm du lịch biển trọng điểm quốc gia (với các công trình phục vụ du khách tắm biển, quán bar, giải khát, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh, khu du lịch thể thao...). Dự án có tổng mức đầu tư 316 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT.
Ông Quyền vừa bước khỏi bục phát biểu, một số ngư dân đã có những phản ứng gay gắt. Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Trọng Hưng, người điều hành buổi đối thoại, phải liên tục yêu cầu vãn hồi trật tự. Hội trường chỉ im lặng khi một người dân phát biểu: “Những ngày qua chúng tôi bức xúc với lãnh đạo tỉnh. Làm việc gì thì phải cho dân biết trước hoặc hỏi ý kiến của dân. Đằng này chúng tôi không hề biết gì về dự án. Chúng tôi mong muốn bờ biển đẹp nhưng cũng mong muốn tỉnh cho chúng tôi 1 km để neo đậu bến thuyền”.
Ông Văn Công Bình, ngụ phường Trường Sơn, gay gắt hơn: “Tại sao lại giải tỏa, không cho ngư dân đánh bắt gần bờ? Trước khi làm cái này dân biết không, dân có được bàn không?”.
Đa số các ý kiến sau đó đều không đồng tình về việc tỉnh giao 3,5 km bờ biển cho Tập đoàn FLC. Họ không mong muốn nhận tiền hỗ trợ bồi thường, không muốn di dời mà chỉ đề nghị tỉnh chừa 1 km bờ biển để neo đậu tàu thuyền.
Hàng loạt ý kiến gay gắt yêu cầu tỉnh phải nhường lại một phần bờ biển để ngư dân mưu sinh. Ảnh: Đ.TRUNG
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Đ.TRUNG
“Bà con cứ neo đậu như trước đây”
Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân, Bí thư Trịnh Văn Chiến trước tiên nhận khuyết điểm với ngư dân Sầm Sơn (như đã nói ở trên - PV). Ông khẳng định: “Không có chuyện tỉnh thu bờ biển giao cho bất cứ doanh nghiệp nào. Làm như vậy là trái với chủ trương của Đảng và Chính phủ”.
Ông Chiến tiếp tục: “Sầm Sơn là bãi biển đẹp nhưng hàng trăm năm qua chưa được khai thác triệt để tiềm năng. Vì thế tỉnh có chủ trương nâng cấp, cải tạo, đưa Sầm Sơn trở thành bãi biển đẹp nhất nước. Ngân sách sẽ huy động đến 3.000 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư khác hơn 10.000 tỉ đồng để làm cho Sầm Sơn thay đổi nhanh hơn. Khi Sầm Sơn phát triển, mọi dịch vụ sẽ được nâng cao giá trị, kể cả con cá, con tôm của ngư dân. Từ đó, thu nhập người dân sẽ cải thiện”.
Theo ông Chiến, trong quá trình tuyên truyền vận động thực hiện dự án, tỉnh nắm được thông tin nhiều người dân Sầm Sơn ủng hộ dự án, chỉ còn một bộ phận người dân chưa đồng ý. Nghe tới đây, các ngư dân có mặt tại hội trường gay gắt phản đối. Ông Chiến liền nói: “Vậy đa số người dân chưa đồng ý với dự án. Như vậy được chưa? Nếu đồng ý thì bà con cho một tràng pháo tay”. Lập tức phía dưới hội trường liên tục có những tiếng vỗ tay lớn hơn.
Ông Chiến nói tiếp: “Sau khi họp bàn, tỉnh thống nhất như sau: Bà con nào đồng ý với chủ trương của tỉnh thì từ nay đến cuối tháng 4 sẽ nhận tiền bồi thường theo các quyết định của tỉnh. Bà con nào chưa đồng ý thì trước mắt cứ neo đậu tàu thuyền bình thường như trước đây”. Phát biểu xong, ông Chiến quay trở về bàn chủ tọa. Một người dân lập tức có ý kiến: “Chúng tôi không muốn nhận tiền bồi thường, chỉ mong tỉnh dành cho nơi neo đậu thuyền để mưu sinh”.
Nghe vậy, ông Chiến quay trở lại bục phát biểu: “Tỉnh không buộc ngư dân phải di dời. Chúng tôi phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Bà con ngư dân cứ neo đậu tàu thuyền như lâu nay”. Nghe thế, hàng trăm con người rời hội trường trong niềm vui vỡ òa. Vậy là sự việc căng thẳng mấy ngày qua đã tạm thời được “tháo ngòi”.
Dọc bờ biển dài 3,5 km phía đông đường Hồ Xuân Hương hiện có 705 bè, mảng và mủng - những phương tiện đánh bắt truyền thống của cư dân bản địa. Khi triển khai dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương”, tỉnh Thanh Hóa dự định di chuyển số thuyền bè này đi nơi khác hoặc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ tháo dỡ, phá bỏ các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20 CV với mức 70 triệu đồng/bè, 50 triệu đồng/thuyền thúng. Các hộ còn được hỗ trợ 30 kg gạo/nhân khẩu/tháng (trong sáu tháng) để ổn định đời sống. Khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi hộ có bè và 8 triệu đồng một hộ có mủng… Tuy nhiên, hầu hết ngư dân đều không muốn nhận tiền hỗ trợ vì sợ mất kế sinh nhai lâu dài. Chính vì vậy, họ tập trung kéo lên trụ sở UBND tỉnh để kiến nghị được hành nghề như trước. |