Đã khởi tố vụ án hình sự
Đến ngày 6-3, người dân tiếp tục tụ tập tại trung tâm TP Thanh Hóa yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa trả lại bờ biển Sầm Sơn mà Thanh Hóa đã giao cho Tập đoàn FLC.
Trước sự việc tụ tập đông người gây mất ANTT tại một số khu vực ở trung tâm TP Thanh Hóa mấy ngày qua, đơn cử là khu vực gần Tỉnh ủy Thanh Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 3-3 Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Trong buổi sáng 5-3, người dân tiếp tục tụ tập đông người trước UBND tỉnh Thanh Hóa và yêu cầu được đối thoại. Tuy nhiên, có hàng chục người mặc thường phục “ép” ngư dân lên xe buýt về Sầm Sơn càng khiến họ bức xúc.
Trao đổi vào chiều cùng ngày 5-3 với Pháp Luật TP.HCM, người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa - Đại tá Lê Trung Hiếu khẳng định không có việc công an mặc thường phục "ép" dân lên xe buýt.
Ngư dân bị một số người mặc thường phục "ép" lên xe về Sầm Sơn. Ảnh: Đ. TRUNG
Bí thư Tỉnh ủy sẽ đối thoại với ngư dân
Ngày mai (7-3), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa - ông Trịnh Văn Chiến sẽ đối thoại trực tiếp với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn thuộc xã Quảng Cư, Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn (thị xã Sầm Sơn) liên quan đến dự án không gian ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương. Đó là thông báo được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phát đi trong sáng nay (6-3).
Đây là những ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch "Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương". Cũng theo thông báo này, buổi đối thoại với ngư dân sẽ có nhiều lãnh đạo ban ngành của tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn liên quan đến dự án trên.
Suốt chín ngày qua (kể từ ngày 27-2 đến 6-3), người dân Sầm Sơn kéo nhau lên cổng UBND tỉnh yêu cầu để lại cho họ 500 m bờ biển giáp ranh giữa xã Quảng Cư và phường Trung Sơn để neo đậu thuyền và thuận tiện cho việc đánh bắt cá. Người dân đề nghị trực tiếp được đối thoại với lãnh đạo tỉnh nhưng không được đáp ứng.
Nổ súng ở Sầm Sơn?
Trong một diễn biến khác vào chiều 5-3, một nhóm ba thanh niên đã đến nhà riêng của ông Trần Văn Hải, trưởng bến thuyền ở khu vực đền Độc Cước (phía Đông đường Hồ Xuân Hương). Mục đích của nhóm người này là yêu cầu ông Hải ký vào văn bản cam kết di dời bến thuyền. Tuy nhiên lúc đó ông Hải không có nhà, vợ ông là bà Văn Thị Thắng tiếp chuyện, sau ít phút đã bị nhóm người này đánh đập.
Một người dân sống ngay cạnh nhà bà Thắng cho hay: “Tôi đang ngủ thì nghe tiếng súng nổ, mọi người bật dậy chạy sang thì thấy bà Thắng ngất xỉu, bị thương vùng mặt, chảy máu. Nhiều người tức tốc gọi xe đưa bà đi cấp cứu”.
Người dân này cho hay một số người nghe tiếng súng nổ chạy đến thì bị một thanh niên đe dọa ai vào sẽ nổ súng nên mọi người phải bỏ đi, không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo.
Người dân trụ sở phường Trường Sơn, Sầm Sơn. Ảnh: CTV
Trao đổi với báo chí, Công an thị xã Sầm Sơn cho biết: "Ngay sau khi xảy ra sự việc chúng tôi đã đến hiện trường, đã bắt một nghi can để làm rõ vụ việc (chưa rõ danh tính)". Theo thông tin từ công an thị xã Sầm Sơn, hiện bà Thắng đang được cấp cứu tại BV 103 (Hà Nội) và sức khỏe đã ổn định.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM liên quan đến vụ nổ súng, chiều 6-3, Đại tá Hiếu khẳng định không có chuyện có tiếng súng nổ ở Sầm Sơn. Vụ việc cũng không liên quan gì đến việc người dân kéo đến UBND tỉnh những ngày qua.
Trong sáng nay (6-3), ghi nhận của PV người dân tiếp tục tụ tập ở khu vực trung tâm TP Thanh Hóa yêu cầu chính quyền đối thoại với người dân về dự án trên.