Bà là nạn nhân trong bài viết “Chém người rồi mang bỏ nghĩa địa” trên Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 11-1.
Chỉ vì quá nghèo, mùa nào thức ấy, mỗi ngày bà Phương đều cắp rổ đi mót lúa, mót hạt điều kiếm tiền về nuôi người mẹ già gần 90 tuổi đau ốm triền miên. Hôm đó, vô phước bà Phương bị người chủ vườn điều cho rằng bà là kẻ trộm, vác rựa chém rồi chở ra bãi tha ma bỏ để chạy tội. May mà có mấy người thợ hồ xây mộ phát hiện đưa bà đi cấp cứu.
Với cách hành xử tàn nhẫn của ông thầy giáo - chủ vườn điều, ai cũng nghĩ ông ta sẽ bị xử lý hình sự. Nhưng rồi Công an xã Bắc Ruộng (nơi xảy ra vụ chém) chỉ xử phạt ông T. mấy trăm ngàn.
Hơn hai tháng trước, từ những lá đơn kêu cứu trong vô vọng của bà Phương, chúng tôi lên tận Nghị Đức để xác minh mới thấy hoàn cảnh đáng thương của mẹ con bà Phương. Căn nhà tồi tàn xây bằng gạch chưa tô, nền xi măng đầy “ổ gà”. Tài sản quý nhất trong nhà là chiếc tủ thờ, cái quạt máy lùn tịt sứt mẻ và chiếc giường tre cũ kỹ nơi hai mẹ con ngủ chung và… chấm hết. Từ sau khi bị chém, không ai kêu bà Phương làm mướn nữa do bà còn đi lại bằng nạng rất khó khăn. Cuộc sống mẹ con bà giờ chỉ trông vào cưu mang, giúp đỡ của hàng xóm.
Là phụ nữ gần bốn chục tuổi nhưng bà Phương chưa có chồng, con. Có lẽ do lao động nặng từ nhỏ nên trông bà Phương giống đàn ông hơn, nói năng sang sảng, tính thẳng như ruột ngựa. “Mấy tháng nữa tôi phải đi mổ chân, không biết tiền đâu để chi phí. Tại sao bao nhiêu bất hạnh đều đổ xuống đầu mẹ con tôi như vậy?” - bà Phương nói.
Trước đó, vào tháng 4-2013, bà Phương từng bị kết án chín tháng tù giam về tội hủy hoại tài sản mà đọc hồ sơ ai cũng ức. Số là gia đình bà có một mảnh đất, năm 2003 cha bà Phương qua đời. Mẹ con bà Phương định tách thửa miếng đất kế bên với diện tích 400 m2 để bán kiếm tiền sinh sống thì bất ngờ anh của bà Phương dù đã có nhà cửa đàng hoàng vẫn đến mảnh đất trên cất căn nhà tạm để giành đất.
Khiếu nại, mẹ con bà Phương mới tá hỏa bởi cán bộ phụ trách địa chính xã Nghị Đức đã giả mạo di chúc tặng cho và giả mạo luôn chữ ký của phó chủ tịch xã rồi đóng dấu xác nhận để anh của bà Phương hợp thức hóa lấy đất. Vụ việc bị phát giác, CQĐT Công an huyện Tánh Linh vào cuộc xác định việc giả mạo để lấy đất của mẹ con bà Phương là có thật. Tuy nhiên, công an cho rằng người cán bộ thực hiện hành vi giả mạo là ông P.C.Tr. lúc đó là cán bộ phụ trách giao thông-thủy lợi của xã. Do cán bộ địa chính của xã đi học, thường trực UBND xã phân công ông Tr. giúp làm công tác tiếp nhận hồ sơ địa chính. Việc phân công chỉ nói miệng trong cuộc họp, không có quyết định và biên bản cuộc họp đã thất lạc. Vì vậy, không có căn cứ xác định chức vụ, quyền hạn của ông Tr.. Từ đó, công an ra quyết định không khởi tố vụ án (?!).
Bức xúc vì cần bán đất để lấy tiền sinh sống trong khi căn nhà nằm chình ình trên đất của mình không thể bán được nên cuối tháng 12-2010, bà Phương thuê người tháo dỡ căn nhà trên. Sau đó, người đàn bà bất hạnh này đã bị khởi tố, bắt giam và bị kết án chín tháng tù giam về tội hủy hoại tài sản.
Ra tù, ngoài việc làm đơn kêu oan, bà Phương còn làm đơn tố cáo và khởi kiện chủ tịch xã từng “phù phép” lấy đi hàng ngàn mét vuông đất của gia đình bà và HTX III Nghị Đức từng đến nhà bà dắt một con trâu trong chuồng đi vì cho rằng gia đình bà nộp thiếu sản lượng lương thực. Tháng 7-2013, Tòa Dân sự TAND Tối cao có thông báo trả lời việc mẹ con bà Phương tố chủ tịch xã lấy đất đã được các cấp tòa ở Bình Thuận xét xử bác đơn và các bản án trên đã có hiệu lực pháp luật. Riêng việc khiếu nại đòi trả lại trâu, TAND Tối cao hướng dẫn mẹ con bà Phương có thể khởi kiện bằng một vụ án khác.
“Đất đai gia đình tôi rất nhiều nhưng không hiểu sao giờ không còn nữa và cũng vì đất đai mà tôi phải đi tù. Giờ bị thương tật cũng không có đất để cầm cố hay bán để chữa bệnh” - bà Phương vừa quẹt nước mắt vừa nói.