Hậu Giang là tỉnh duy nhất được Tân Hiệp Phát liên tiếp triển khai xây dựng hai cầu thép dây văng trong năm nay.
Phương Bình là địa danh nổi tiếng ở Hậu Giang, trước năm 1975, nơi đây được coi là rốn cá đồng của miền Tây. Những năm gần đây, cá tôm, rùa rắn đã ít đi, người dân sinh sống bằng nông nghiệp, trồng trọt và kỳ vọng vào phát triển du lịch sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu căn cứ Tỉnh ủy trên địa bàn xã. Tuy nhiên, giao thương đường bộ khó khăn đang khiến người dân nơi đây mất đi cơ hội phát triển nhiều mặt.
Ông Trần Văn Sang, Phó Chủ tịch xã Phương Bình, cho biết Phương Bình là xã vùng sâu của huyện Phụng Hiệp, có kênh rạch chằng chịt, người dân vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng ghe xuồng. Trên địa bàn xã còn hàng trăm cầu ván, cầu tre tạm bợ xuống cấp trầm trọng cần xây mới để đáp ứng nhu cầu đi lại, làm ăn của bà con và hỗ trợ phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tùng, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát trao tặng cầu Dr Thanh - Xẻo Sành cho đại diện bà con xã Phương Bình.
Trước nhu cầu cấp bách của người dân nơi đây, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã khởi công xây dựng cầu thép dây văng Dr Thanh - Xẻo Sành với chiều dài 27 m, rộng 2,5 m, trị giá khoảng 700 triệu đồng. Ngoài kết nối mạng lưới giao thông, cây cầu kiên cố này khi hoàn thiện sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển lên tới 4 km từ các ấp về trung tâm xã.
“Việc rút ngắn tới 4 km từ các ấp quanh cầu lên trung tâm xã là một bước đột phá trong giao thông của địa phương, đặc biệt là đối với các em học sinh tới trường hằng ngày, bà con vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều” - thầy Trình Hữu Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đô, chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Sang, cầu Dr Thanh - Xẻo Sành của Tân Hiệp Phát khi đưa vào sử dụng sẽ trực tiếp hỗ trợ nhu cầu đi lại cho khoảng 4.000 người dân các ấp quanh cầu và gần 20.000 người trong xã đồng thời tạo động lực hoàn thiện hạ tầng đường bộ để mở ra cơ hội làm ăn, buôn bán và thúc đẩy du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng và Khu căn cứ Tỉnh ủy phát triển. Ông Ngô Phước Thuận, một lão “lão nông” tại địa phương phấn khởi: “Ở đây vận chuyển hàng hóa, nông sản đa phần bằng ghe, xuồng. Việc đi lại khó khăn nên thương lái thường ép giá nông dân, mua lúa, nông thủy sản thấp hơn giá thị trường”.
Có thể nói, cầu Dr Thanh - Xẻo Sành sẽ đóng vai trò quan trọng, là cầu nối huyết mạch giữa các ấp trong xã và mở ra cơ hội làm ăn, buôn bán, gia tăng giá trị nông - thủy sản cho người dân chân chất, chịu thương chịu khó và cả cơ hội lôi kéo du khách, thúc đẩy du lịch phát triển như mong ước của bà con và chính quyền địa phương.
Chứng kiến niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng nét mặt, từng ánh mắt đầy hy vọng của người già lẫn lớp trẻ Phương Bình nơi đây, chúng ta tin rằng thêm nhiều cây cầu như Dr Thanh - Xẻo Sành nữa, vùng đất nổi tiếng này hứa hẹn sẽ sung túc trên tôm dưới cá khắp vùng.