Chính phủ trình 1 luật và sửa 8 luật - Bài 1

Tản quyền Thủ tướng xuống các bộ, địa phương

Ngày 3-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ các nội dung dự kiến trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ sáu, diễn ra từ ngày 8-12.

Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp là xem xét, thẩm tra sơ bộ dự luật sửa tám luật mà Chính phủ trình ngày 1-12.

Tám luật được trình sửa đổi, bổ sung gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày dự luật. Ảnh: QH

Thủ tướng chỉ quyết định dự án nhóm A

Xếp hàng đầu trong danh sách sửa đổi, bổ sung lần này là Luật Đầu tư công. Tờ trình của Chính phủ nêu: Các chương trình, dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thường có số lượng nhiều, quy mô không lớn. Nếu theo đúng quy trình thì sẽ phải trình Thủ tướng ba lần, dẫn đến nhiều dự án bị chậm thực hiện và giải ngân, thậm chí phải gia hạn hiệp định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm để phân quyền quyết định chủ trương đầu tư từ Thủ tướng cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh.

Các chủ thể này được quyền quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; đồng thời quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Để đảm bảo điều này, quy định được bổ sung vào Luật Đầu tư công theo hướng: “Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) trong phạm vi tổng số kế hoạch vốn trung hạn được QH quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”.

Nếu phân cấp như vậy, Chính phủ chỉ giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A cho Thủ tướng như Luật Đầu tư công hiện hành.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng này: Thủ tướng sẽ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Khơi thông nguồn lực

Kỳ họp thứ hai vừa qua, QH đã đưa ra các gợi mở cải cách thể chế nhằm khơi thông nguồn lực. Điều này sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Yêu cầu ấy cũng chính là nguyên nhân để QH dự tính một kỳ họp bất thường để giải quyết vấn đề cấp bách, trong đó có một luật sửa tám luật.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế 

UBND cấp tỉnh quyết dự án xây nhà ở, khu đô thị

Về Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm. Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Thực tế, pháp luật về chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị có thể giao cho địa phương. “Đối với các dự án có quy mô sử dụng đất hoặc quy mô dân số thấp hơn so với đô thị loại IV (tương ứng quy mô sử dụng đất dưới 300 ha hoặc quy mô dân số dưới 50.000 người) thì có thể phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh” - Chính phủ khẳng định.

Nhưng mấu chốt lại là chỗ Luật Đầu tư 2020 quy định để được chấp thuận thì nhà đầu tư phải “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”.

Hệ quả là các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Các địa phương, Hiệp hội Bất động sản phản ánh lên Chính phủ: Hiện có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, trong đó Hà Nội có khoảng 82 dự án, TP.HCM có 126 dự án... Việc này gây thiệt hại cho doanh nghiệp, làm sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở và là một trong những nguyên nhân làm tăng giá nhà.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị sửa Luật Đầu tư 2020 ở điểm này. Theo đó, nhà đầu tư được chấp thuận khi có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở. Dĩ nhiên, các quyền sử dụng đất này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Dự luật trừ ra các loại đất được Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và đấu giá đất theo quy định.

Đồng thời dự luật bổ sung: Sau khi đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan.

  Tiền lệ tốt

Trước đây đã có việc dùng một luật sửa nhiều luật gần nhau. Chẳng hạn Luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế. Tuy vậy, dự luật của Chính phủ trình lần này là dùng một luật để sửa nhiều luật không gần nhau.

Điều này xuất phát từ thực tiễn, giúp cho chính sách của Nhà nước có thể đáp ứng nhanh, hiệu quả những yêu cầu từ thực tiễn, giải quyết ngay được những vấn đề cấp bách. Việc dùng một luật sửa nhiều luật không gần nhau như lần này là một tiền lệ tốt.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế, VCCI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm