Huyện đảo Phú Quý bé xíu, chưa đầy 18.000 km2, đi xe máy chỉ cần 30 phút là giáp vòng quanh đảo. Tôi gặp một người đàn ông trung niên ngồi xe lăn rong ruổi khắp nơi đi bán vé số. Anh tên Nguyễn Ngọc Ký (47 tuổi), từng là một thợ lặn khỏe mạnh, nhiều người biết tiếng.
Sạt nghiệp, liệt nửa người
Anh Ký khi còn trẻ có thể lặn ngậm ống hơi, rồi lặn 5-6 tiếng đồng hồ. Dụng cụ lặn biển rất đơn giản: Một bộ quần áo bó sát, một đai chì quấn quanh bụng và một ống hơi dài chừng 50 m gắn với một máy bơm không khí đặt trên thuyền. Ngày hôm đó, anh ngậm ống hơi rồi lặn từ 6 giờ sáng đến quá trưa, bắt được rất nhiều hải sâm bỏ vào túi lưới. Đến khi bị ép tim, anh mới nhớ ra mình đã lặn quá trưa. Khi quay trở lại thuyền, rất nhanh cơ thể anh mất cảm giác rồi rơi vào hôn mê sâu.
Khi tỉnh lại trong bệnh viện, anh không còn cảm giác gì trên cơ thể. Bác sĩ cho biết anh đã bị liệt do cơ thể thay đổi áp suất đột ngột, các dây thần kinh bị tổn thương. Cha anh đã đưa anh vào đất liền, ròng rã theo đuổi việc điều trị vật lý trị liệu ba năm trời, hy vọng con trai khỏe mạnh trở lại. Tiền kiếm được từ những chuyến đi lặn vơi dần rồi đội nón ra đi hết.
Rồi cơ thể anh cũng dần gượng dậy một cách kỳ diệu, một nửa vẫn bị liệt nhưng một nửa đã phục hồi. Anh lấy vợ, sinh được ba người con. Anh đi bán vé số mưu sinh trên chiếc xe lăn, rồi sắm được chiếc xe điện ba bánh, ngày nào cũng rong ruổi từ sớm đến tối. Trên đảo dân cư thưa thớt, bán nhiều lắm ngày cũng chỉ lời được 60.000-70.000 đồng.
Có những lúc anh hoảng hốt chạy thật nhanh xuống biển để tắm rửa khi tiêu, tiểu hết ra xe. Từ khi gặp nạn đến nay, anh vẫn tiêu, tiểu tại chỗ không kiểm soát được. Anh thương vợ đã phải chăm sóc cho mình quá vất vả. Anh nói: “Ở nhà thì bả phải lo vệ sinh cho tôi, tội nghiệp lắm. Còn ngày xưa, đi bán vé số chưa có xe, tôi lết đi xa lắm mới tới được mé nước để tắm. Dù sao thì tôi vẫn còn đây, chứ nhiều người đi lặn đã chết không trở về…”. Giọng anh nghèn nghẹn, buồn buồn.
Anh Nguyễn Hữu Thái cùng bạn lặn là anh bảy Lĩnh đi lặn bắt cá. Cả hai đều đã dần bỏ nghề để nuôi cá. Ảnh: HM
Góa bụa hai lần
Trên đảo dường như ai cũng biết đến hoàn cảnh của chị Đặng Thị Hòa (39 tuổi), bởi chị đã góa bụa hai lần, cả hai lần chị đều đang mang thai và những đứa trẻ đều không biết mặt cha.
Người chồng đầu tiên đến với chị năm chị 19 tuổi. Sau hai tháng kết hôn, chị có thai. Chị vẫn nhớ anh đã hạnh phúc như thế nào khi biết sắp có em bé. Một hôm, anh dặn chị ở nhà cẩn thận, anh chỉ đi hai ngày rồi về. Hôm sau, có người chạy đến báo tin anh khi quay trở lại thuyền đã bất tỉnh rồi đi luôn, không kịp nói lời trăng trối. Chị đau đớn khuỵu xuống, không còn biết chuyện gì xảy ra nữa.
Sinh con, chị đưa con về ở nhà bà ngoại, tần tảo ra chợ bán rau. Khi con được tám tuổi, một người đàn ông từ đất liền đến đảo gặp chị rồi thương. Anh cũng làm nghề cá.
Anh ra đảo ở với chị, cũng theo bạn thuyền đi lặn. Nghề lặn lúc đó thu nhập cũng đã khá hơn. Anh càng chăm chỉ đi lặn khi biết chị có bầu. Cuộc sống của chị dễ thở hơn rất nhiều khi có anh về chăm sóc, đỡ đần. Một hôm, chị nấu cơm chiều sớm để cả nhà ăn cùng nhau trước khi anh ra biển. 9 giờ tối, bạn cùng thuyền anh báo tin cho chị: Anh lặn miết rồi không thấy trồi lên, mọi người đang đi tìm. Sáng hôm sau bạn thuyền đưa thi thể anh về nhà trên một chiếc thúng, chị lại khuỵu xuống.
Không có người đàn ông trong nhà, cuộc sống của ba mẹ con chị rất khó khăn. Chị thề không cho con trai theo nghề biển. Chị nói mà nước mắt cứ rớt xuống miết: “Con trai tôi làm gì cũng được, có nghèo tôi cũng không cho theo nghề cha nó. Nghề lặn khi mất là mất hết, tan tác hết”.
“Ăn của biển cũng đau thương lắm”
Thợ lặn Nguyễn Hữu Thái lâu nay đã bỏ nghề lặn bởi từng suýt chết hụt dưới biển. Anh vay tiền gia đình, bạn bè để nuôi cá bè trên biển. Những loại hải sản có giá trị cao như tôm hùm, tôm đỏ, cá mú được anh mua lại từ các thợ lặn rồi thả vào lồng bè. Anh cũng học được cách “chơi phây búc” để quảng cáo cho bè cá của mình, mời gọi khách tham quan đến thăm đảo, thăm bè cá. Anh nói: “Mình phải chuyển nghề dần dần. Chứ đi lặn miết, lỡ chết, vợ con mình ai lo”.
Có nhiều người trẻ trên đảo vẫn theo nghề. Một thợ lặn cho biết: “Dân ở đây có hơn 70% theo nghề biển, tụi em không theo nghề thì biết làm gì đâu. Nghề lặn thu nhập cũng được nên ráng theo”. Cũng theo người thợ này, một chuyến theo tàu lớn ra các đảo lớn đi lặn, thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng. Những thợ lặn ở gần thu nhập kém hơn nhưng cũng trên dưới 7-8 triệu đồng. Nếu so với nghề đi làm mướn thì nghề lặn vẫn chiếm ưu thế hơn hẳn. Anh Nguyễn Hữu Thái nói: “Hồi xưa tôi cũng mê lắm vì có tiền. Đến khi có người thân quen mất đi, tôi chùn tay liền. Ăn của biển cũng đau thương lắm”.
Chiều hôm đó, anh quay về bè cá chuẩn bị cho một cuộc viếng thăm của khách từ đất liền. Vợ anh nói nuôi cá bè có khi lời ít, có khi lời nhiều nhưng chị vô cùng hài lòng vì đỡ phải lo nguy hiểm. Chị sợ như những người phụ nữ trên đảo, cứ thấp thỏm mỗi khi người đàn ông trong nhà theo bạn thuyền mỗi chuyến ra khơi.
Anh Thái chỉ đi lặn cho đỡ nhớ nghề. Từ năm 2011 đến nay, anh không đi lặn thường xuyên và không còn coi đây là nghề mưu sinh nữa. Anh nói: “Bạn bè, người quen, khoảng hơn chục người tôi biết đã chết hoặc tàn phế vì lặn biển. Tôi không dám liều nữa". |