Trao đổi với PV về vụ việc liên quan đến 57 hồ sơ làm khống, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, cho biết sự việc xảy ra là có thật. Khi đó, bà Bùi Thị Dung (nguyên Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song, Đắk Nông) sắp hết nhiệm kỳ bổ nhiệm thẩm phán (khoảng năm 2017). Áp lực là chỉ tiêu án hủy không quá 1,16%.
Thẩm phán này sợ án hủy của bà cao hơn 1,16% thì dẫn đến việc không được tái bổ nhiệm thẩm phán. Cho nên bà Dung mới làm đơn, nhờ một số người làm đơn khởi kiện. Sau đó, bà mang qua Chi cục Thi hành án Dân sự để nộp tiền tạm ứng án phí rồi thụ lý.
“Sau đó, rút đơn để tăng lượng án thụ lý lên. Khi rút đơn khởi kiện là coi như đã giải quyết xong vụ việc. Vì khi rút đơn, thẩm phán phải ra quyết định đình chỉ. Như vậy, sẽ nâng số vụ được giải quyết lên, giảm tỉ lệ án hủy xuống. Ý đồ của cô này là như thế.
Sau khi đưa về thì coi như cô này lừa luôn cả ông Phạm Văn Phiếm (nguyên Chánh án TAND Đắk Song), lừa luôn cả Phó Chánh án là bà Nguyễn Thị Hải Âu. Ông Phiếm và bà Âu không biết chuyện này” - vị chánh án nói.
Nơi ba cán bộ tòa bị kỷ luật từng công tác. Ảnh: H.TRƯỜNG
Theo ông Thọ, bà Dung làm đầy đủ các thủ tục rồi đến Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) để nộp án phí thì bị nghi nghờ. Lúc đó, Chi Cục trưởng Chi cục THADS mới báo lên lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông. Phía lãnh đạo tòa tỉnh báo cho phía Chánh án huyện Đắk Song. Sau đó, phía Tòa Đắk Nông đã trao đổi với VKSND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.
“Khi phát hiện ra việc đó, bà Dung biết là vi phạm nặng cho nên đã làm đơn xin thôi việc. Cùng lúc đó, các thư ký giúp việc cho bà Dung cũng làm đơn thôi việc. Liên quan đến vi phạm của bà Dung, ông Phiếm và bà Âu phải chịu trách nhiệm vì là người đứng đầu. Ngoài ra, không phải toàn bộ 57 hồ sơ đều phân cho bà Dung xử, mà còn phân cho một số thẩm phán khác xét xử, trong đó có ông Phiếm và bà Âu” -vị này nói.
Cũng theo ông Thọ, ông Phiếm và bà Âu không biết, và bị bà Dung lừa. Tuy nhiên, sau đó, bà Dung nghỉ việc, nên xử lý trách nhiệm đối với những người liên quan gồm ông Phiếm, bà Âu và ông Nguyễn Xuân Triệu (nguyên thẩm phán TAND Đắk Song) và một số người khác. Theo đó, sau khi phát hiện sự việc, ông Phiếm bị hủy kết quả đánh giá công chức.
Ông Phiếm từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống còn hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời bị xem xét kiểm điểm. Sau đó, ông Phiếm và bà Âu bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Đến năm 2019, Thanh tra TAND Tối cao vào cuộc. Ông Phiếm và bà Âu bị điều chuyển công tác. Ông Phiếm bị điều về làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức, bà Âu bị điều về làm Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô. Tuy nhiên, khi giới thiệu ông Phiếm vào cấp ủy thì phải dừng lại.
Sau đó, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã kỷ luật nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song hình thức khiển trách. Bà Âu và ông Nguyễn Xuân Triệu cũng bị kỷ luật hình thức tương tự.
Khi PV đặt câu hỏi về việc hình thức xử lý kỷ luật chỉ là khiển trách phải chăng quá nhẹ? Ông Thọ cho rằng ông Phiếm bị xử lý kỉ luật như vậy là nghiêm. Bởi theo khách quan, người thực hiện là bà Dung, còn ông Phiếm, bà Âu, ông Triệu chỉ là người liên đới chịu trách nhiệm, đặc biệt ông Phiếm là người đứng đầu đơn vị.
“Họ đều thấy là sai, vi phạm, chấp nhận kỷ luật. Và họ mong kỷ luật sớm để sớm sửa chữa… 57 hồ sơ đó là làm khống, không có người khởi kiện, được tự tạo dựng lên vụ án nên không gây thiệt hại cho ai cả. Chỉ có là vấn đề phẩm chất, đạo đức, uy tín của ngành. Còn thiệt hại thì không thiệt hại cá nhân, tổ chức nào cả” - ông Thọ nói và cho biết vụ án chưa được đưa ra xét xử nên chưa có thanh toán hỗ trợ cho HĐXX nên không có thiệt hại.
Khi phát hiện ra việc đó, bà Dung biết là vi phạm nặng cho nên đã làm đơn xin thôi việc. Cùng lúc đó, các thư ký giúp việc cho bà Dung cũng làm đơn thôi việc. Liên quan đến vi phạm của bà Dung, ông Phiếm và bà Âu phải chịu trách nhiệm vì là người đứng đầu. Ngoài ra, không phải toàn bộ 57 hồ sơ đều phân cho bà Dung xử, mà còn phân cho một số thẩm phán khác xét xử, trong đó có ông Phiếm và bà Âu. Ông NGÔ ĐỨC THỌ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông |
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cũng đã có bản kiểm điểm gửi đến các cơ quan liên quan. Cũng theo ông Thọ, do áp lực trong công việc, từ năm 2016 đến nay đã có nhiều công chức gồm thư ký, thẩm phán xin nghỉ việc.
Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã liên hệ làm việc với UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông, tuy nhiên lãnh đạo UBKT nói đang bận và cấp phó đang đi công tác.
Như PLO đã thông tin, tại kỳ họp thứ 7 năm 2021, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ba cán bộ nguyên là lãnh đạo, thẩm phán TAND huyện Đắk Song. Theo đó, ba cán bộ vừa bị thi hành kỷ luật gồm Ông Phạm Văn Phiếm, Chánh án TAND huyện Tuy Đức (nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song), bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô (nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song và ông Nguyễn Xuân Triệu, Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức - nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song.
Theo UBKT tỉnh Đắk Nông, trong năm 2016, ba cán bộ nói trên để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế, trong đó có trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.