TAND Tối cao vừa ban hành dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng để lấy ý kiến góp ý. Dự thảo quy định nhiều chi phí có liên quan, phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án.
Đáng chú ý, TAND Tối cao đã đề xuất tính lại phụ cấp xét xử đối với hội thẩm nhân dân (HTND).
Cách tính mới dựa theo lương cơ sở
Việc tính lại phụ cấp xét xử đối với HTND là vấn đề mà thời gian qua các địa phương đã có nhiều kiến nghị thay đổi. Theo đó, phụ cấp cho HTND được đề xuất tăng lên cho phù hợp với sự phát triển chung.
Phải ghi nhận công sức đóng góp tương xứng
Phụ cấp cho HTND hiện nay được tính theo ngày làm việc. Trong khi đó, một ngày HTND có thể phải xét xử nhiều vụ, hoặc có vụ xét xử kéo dài nguyên ngày. Lao động mà HTND bỏ ra để hỗ trợ cho tòa là rất lớn.
Chúng tôi rất trân trọng những công sức và đóng góp cho tòa của HTND. Họ hỗ trợ tòa hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo tiêu chí xét xử đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
HTND có trải nghiệm sống và chuyên môn tốt trong các lĩnh vực. Tòa mời họ tham gia xét xử những vụ án phù hợp với chuyên môn của họ, góp phần đảm bảo cho phán quyết của HĐXX luôn thấu tình đạt lý.
Hiện nay, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp. TAND Tối cao lại có quy định HTND vẫn bị xử lý, rút kinh nghiệm khi án bị hủy, sửa hoặc oan, sai. Trách nhiệm của HTND ngày càng nặng nề hơn.
Tôi hoàn toàn đồng tình với quy định tăng phụ cấp cho HTND. Việc tăng phụ cấp có ý nghĩa ghi nhận sự đóng góp, cũng như đánh giá cao vai trò của HTND trong việc xét xử; giúp tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…
Ông LÊ THUẦN PHONG, Chánh án TAND quận 7
TAND Tối cao nhìn nhận mức chi cho HTND hiện nay không đảm bảo quyền lợi cho họ, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Theo khoản 4 Điều 88 Luật Tổ chức TAND, HTND được hưởng phụ cấp xét xử, được cấp trang phục, giấy chứng minh HTND để làm nhiệm vụ xét xử.
Hiện nay, theo Quyết định 41/2012 của Thủ tướng về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, HTND được bồi dưỡng 90.000 đồng tính theo ngày thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự, kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ tại tòa án các cấp.
Nay TAND Tối cao đề xuất các chi phí cho HTND gồm phụ cấp xét xử, chi phí đi lại, chi phí lưu trú, các chi phí khác theo quy định. Trong đó, quy định mức phụ cấp xét xử bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.
TAND Tối cao đưa ra lý do cách tính phụ cấp cho HTND căn cứ vào lương cơ sở vì có ưu điểm là mức phụ cấp cho HTND với biến động về giá nên không phải sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật thay vì quy định một mức cố định.
Phụ cấp xét xử không tương xứng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Nguyên Thanh, HTND TAND TP.HCM (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết mức bồi dưỡng theo Quyết định 41/2012 của Thủ tướng tương đương 190% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định khi đó (lương cơ sở năm 2012 là 1.050.000 đồng/tháng).
Nay nếu theo dự thảo thì mức phụ cấp xét xử mới sẽ bằng 200% mức lương cơ sở tính theo ngày lương do Nhà nước quy định. Hiện mức lương cơ sở mới nhất là 1,8 triệu đồng/tháng, do đó mức phụ cấp mới khoảng 150.000 đồng/ngày làm việc.
Hai hội thẩm nhân dân tham gia một phiên tòa ở TAND TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Theo TS Lê Nguyên Thanh, công việc HTND có tính đặc thù cao, là một dạng của lao động trí tuệ (lao động phổ thông hiện nay ở các vùng nông thôn cũng đã có mức thu nhập 100.000-150.000 đồng/ngày). Cạnh đó, HTND còn có trách nhiệm nặng nề - trách nhiệm bảo vệ công lý. Thậm chí, HTND còn phải có trách nhiệm bồi thường nếu có sai sót trong khi làm nhiệm vụ.
Thẩm phán, thư ký cũng có phụ cấp nhưng phụ cấp của hai chủ thể này nếu có là phụ cấp ngoài lương. Trong khi đó, HTND chỉ được trả theo ngày làm việc, không được hưởng lương.
“Mức phụ cấp xét xử như quy định hiện hành hoàn toàn không tương xứng với công sức, kiến thức mà họ bỏ ra” - TS Lê Nguyên Thanh nói.
Tăng phụ cấp, khích lệ tinh thần làm việc
Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ an ninh điều tra Trường ĐH An ninh nhân dân, cho biết sau khi về hưu, ông làm HTND tại TAND quận 8 và các công tác xã hội tại địa phương. Vì vậy, nguồn thu nhập chính của ông đến từ lương hưu và phụ cấp khi tham gia HTND.
HTND trong phiên tòa ngang quyền thẩm phán; có trách nhiệm giáo dục bị cáo, giúp bị cáo nhận thức được cái sai; vận dụng trí tuệ, áp dụng pháp luật vào tình tiết trong vụ án để xét xử, cân đo đong đếm mức án khi lượng hình; mất nhiều thời gian, công sức cho những vụ án phức tạp và thời gian xét xử kéo dài...
Với mức phụ cấp 90.000 đồng/ngày làm việc, dù HTND làm đúng trách nhiệm thì cũng cảm thấy như là công sức đóng góp không được ghi nhận.
“Việc tăng mức phụ cấp lên 150.000 đồng/ngày ngoài ý nghĩa vật chất còn khích lệ tinh thần HTND hơn, từ đó gắn bó chặt chẽ và lao động có chất lượng hơn” - HTND Phạm Anh Tuấn nói.
Bà Vũ Thị Châu, HTND TAND quận 11, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 11, cho biết bà vừa công tác mảng chính sách pháp luật ở quận vừa làm HTND các phiên tòa hình sự, dân sự… Công việc hội thẩm đòi hỏi bà phải nắm vững và vận dụng các kiến thức pháp luật; dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử.
“Việc tăng mức phụ cấp giúp HTND có tinh thần, trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình” - bà Châu đánh giá.
Có động lực làm việc tốt hơn
TAND huyện Bình Chánh là một trong những tòa ở xa nên có trường hợp HTND đến nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử phải mất hơn 1 tiếng đi xe.
Mức phụ cấp hiện hành chỉ đủ tiền xăng xe mà chưa tính đến công sức bỏ ra để nghiên cứu hồ sơ. Việc tăng mức phụ cấp phần nào tạo thêm động lực cho HTND làm việc tốt hơn.
Bà PHAN THỊ DÒN, Trưởng Đoàn HTND TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM