Vừa qua, TAND Tối cao đã ban hành Văn bản số 163/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.
Trong đó, TAND Tối cao đã giải đáp một số vướng khi thi hành án hình sự của tòa án các địa phương.
Vướng mắc về thi hành án treo
Có tòa án vướng mắc là việc cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án thuộc thẩm quyền của tòa án nào, tòa án ra bản án hay tòa án nơi người bị kết án đang chấp hành án?
TAND Tối cao cho rằng, tòa án đã ra bản án có thẩm quyền thông báo cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án.
Đáng chú ý có tòa án gặp vướng mắc là có phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo không?
Trả lời, TAND Tối cao cho rằng khi thi hành án treo, tòa án căn cứ Điều 84 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 ra quyết định thi hành án treo. Theo đó, UBND cấp xã căn cứ vào quyết định này để tổ chức thi hành. Để thi hành quyết định buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì tòa án phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định này để cơ quan thi hành án hình sự tổ chức thi hành theo quy định.
Một tòa án đặt câu hỏi là: Tòa án có phải ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án hay không?
Theo TAND Tối cao, quy định tại khoản 1 Điều 364 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án đối với mỗi bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, tòa án không ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.
Một vướng mắc khác là trường hợp bị cáo chấp hành xong hình phạt tù của bản án đã tuyên trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hoặc bị cáo đang tại ngoại nhưng trước đó đã bị tạm giữ, tạm giam mà thời hạn tạm giữ, tạm giam bằng thời hạn phạt tù của bản án đã tuyên thì tòa án có ra quyết định thi hành án phạt tù không?
TAND Tối cao cho rằng, tòa án không ra quyết định thi hành án phạt tù. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, tòa án gửi bản án cho cơ quan thi hành án hình sự theo quy định.
Quy định mới của Luật Xuất cảnh nhập cảnh
Có tòa án thắc mắc là: Theo khoản 2 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì bị tạm hoãn xuất cảnh.
Vậy tòa án có phải ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp trên hay không? BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Thi hành án hình sự năm 2019 không quy định nội dung này?
TAND trả lời như sau: Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh là cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Đây là quy định mới của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. Mặc dù, BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Thi hành án hình sự năm 2019 chưa quy định thủ tục này.
Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng quy định này kịp thời, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa việc trốn tránh nghĩa vụ chấp hành án của người bị kết án, khi ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, Tòa án bổ sung nội dung tạm hoãn xuất cảnh trong quyết định.