TAND Tối cao kháng nghị vì cho rằng phúc thẩm đình chỉ

TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm một vụ tranh chấp dân sự đã tuyên buộc bị đơn phải thực hiện hợp đồng bán nhà cho nguyên đơn; tuyên bố hợp đồng bán nhà giữa bị đơn với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vô hiệu, bác yêu cầu đòi nhà của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau đó hai bên nguyên, bị không kháng cáo, chỉ có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm buộc bị đơn giao nhà cho mình, còn VKSND tỉnh Khánh Hòa kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Tháng 4-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) đã căn cứ điểm a khoản 2 Điều 199 BLTTDS 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) để đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do hai lần tòa phúc thẩm triệu tập hợp lệ nhưng nguyên đơn vẫn vắng mặt. Đồng thời, tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, không chấp nhận kháng nghị của VKS, chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và buộc bị đơn giao nhà cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh vụ án này, rất nhiều chuyên gia không đồng tình với việc tòa phúc thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi lẽ khoản 2 Điều 199 BLTTDS 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) mà tòa áp dụng (nguyên đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa đình chỉ giải quyết vụ án) nằm trong chương quy định về phiên tòa sơ thẩm chứ không phải phiên tòa phúc thẩm. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không hề có quy định tương tự. Việc tòa phúc thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là trái ý chí nguyên đơn (đồng ý với bản án sơ thẩm nên không kháng cáo) khiến vụ kiện của nguyên đơn tự dưng bị khép lại, giúp người có kháng cáo được lợi vì không còn ai tranh chấp nữa. Lẽ ra tòa phúc thẩm cần xử vắng mặt nguyên đơn để xem xét đầy đủ yêu cầu của các bên mới đảm bảo công bằng…

Mới đây, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử lại từ đầu.

Theo chánh án TAND Tối cao, về tố tụng, theo quy định của BLTTDS, người không kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt thì tòa sẽ xét xử vắng mặt họ. Tòa cấp phúc thẩm cho rằng nguyên đơn không kháng cáo, đã được triệu tập lần thứ hai nhưng vắng mặt nên đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng. Chưa kể hồ sơ thể hiện chưa có đủ cơ sở xác định là nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Cạnh đó, về nội dung, tòa án hai cấp chưa thu đầy đủ chứng cứ trong vụ án...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới