Chiều 27-5, trao đổi với phóng viên PLO, ông Lê Văn Dư cho biết mình vừa nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án của TAND TP.HCM.
Trước đó, vào ngày 19-4, TAND quận Gò Vấp đã ra quyết định chuyển hồ sơ đến TAND TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa bị đơn là các ông Lê Văn Dư, Lê Sĩ Thắng, Khâu Văn Sĩ và nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý.
Thông báo thụ lý vụ án (đề ngày 12-5) của TAND TP.HCM nêu rõ vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường.
Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện đã nộp các tài liệu, chứng cứ sau đây: Hồ sơ gồm có 1176 bút lục do TAND quận Gò Vấp lập và chuyển thẩm quyền.
Căn cứ vào Điều 196, Điều 199 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, TAND TP.HCM thông báo cho các đương sự nêu trên được biết.
Ông Lê Văn Dư mong muốn vụ án được giải quyết đúng thời hạn vì đã kéo dài quá lâu và gia đình ông cũng đã quá mệt mỏi. Ảnh: MINH CHUNG |
Thông báo thụ lý vụ án của TAND TP.HCM cũng cho biết:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp (gửi) cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).
Trường hợp cần gia hạn thì bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có đơn đề nghị gia hạn gửi cho tòa án nêu rõ lý do; nếu việc đề nghị gia hạn là có căn cứ thì tòa án gia hạn nhưng không quá 15 ngày.
Hết thời hạn này mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì đối với các yêu cầu của người khởi kiện thì tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Đây là vụ án mà PLO đã nhiều lần thông tin. Sau khi nghe HĐXX TAND TP.HCM tuyên án phúc thẩm vào chiều 1-7-2020, vợ bị đơn Dư đã chạy ra hành lang của tòa, định nhảy lầu tự tử nhưng được lực lượng bảo vệ kịp thời ngăn cản...
Kể từ khi có quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM (ngày 24-7-2020) và TAND quận Gò Vấp thụ lý lại, đã hơn một năm rưỡi mà tòa vẫn chưa thể xử lại vì nhiều lí do.