Rất nhiều nhà chuyên môn đã chỉ ra thành công của đội tuyển U-23 quốc gia cùng sự trưởng thành và trong sáng của các cầu thủ trẻ góp phần chủ yếu hấp dẫn khán giả. Thực tế cho thấy lượng người xem những vòng đầu V-League tăng đột biến so với các mùa giải trước, đặc biệt ở các CLB có cầu thủ U-23 Việt Nam, dù không phải ai cũng có suất ra sân.
Ngay cả các nhà tổ chức giải cũng rất tinh tường dự báo khả năng V-League và các giải đấu quốc nội khác sẽ hút khách để lấy làm thước đo đàm phán với các nhà tài trợ. Nó giúp bộ sậu mới của VPF đi “kèo trên” với giá trị hợp đồng chẳng kém gì nhà tài trợ Toyota vừa chia tay.
Thế nhưng niềm vui của các nhà làm giải lẫn giới hâm mộ không kéo dài quá lâu khi những vấn nạn cũ như bóng ma tràn về đầy ám ảnh. V-League đã giảm dần đều về lượng người xem, từ bình quân 12.000 khán giả vòng 1 xuống còn hơn 9.000 ở vòng 7. Dĩ nhiên, con số khán giả ở hai giải đấu Cúp Quốc gia và hạng Nhất do VPF tổ chức thấp hơn rất nhiều so với V-League.
Hiệu ứng U-23 giúp khán giả hy vọng thứ bóng đá sạch và đẹp nhưng tiếc là bóng đá xấu xí vẫn tồn tại. Ảnh: XUÂN HUY
Rất dễ thấy sự sa sút số lượng khán giả theo từng vòng đấu, rõ nhất là chất lượng chuyên môn chưa cao và không đồng đều. Bên cạnh đó, vấn nạn bạo lực sân cỏ cộng với những ồn ào, nghi hoặc của nhiều giới về tiếng còi của “vua sân cỏ” đã làm vơi đi niềm tin của người yêu bóng đá.
Chẳng hạn, cuộc đối đầu giữa HA Gia Lai và Hà Nội được ví von như trận “siêu kinh điển” của bóng đá Việt nhờ có nhiều cầu thủ U-23 được nhiều người yêu mến nhưng nó lại không nổi bật về yếu tố chuyên môn.
Vài ngày sau cuộc đụng độ giữa đội bóng của hai ông bầu quyền lực bậc nhất V-League, dư luận vẫn không ngớt râm ran về nghi ngờ tổ trọng tài và nhất là cách ứng xử không chuyên nghiệp của thầy trò Chu Đình Nghiêm. Nó cho thấy sự thiếu tin tưởng vào đội ngũ cầm cân nảy mực sân cỏ, dẫu kết luận của Ban Trọng tài VFF không thấy trọng tài sai trên sân Pleiku. Mọi sự còn bị dẫn dắt sâu hơn với suy luận bầu Đức từng chỉ trích giới trọng tài nặng nề và chỉ ra việc hầu hết CLB đều ngán “vua sân cỏ” vì sợ bị trù dập. Hay những suy diễn có tính chất tiêu cực về cách ứng xử của ông Nghiêm và một số cầu thủ gạo cội phản ứng mạnh trọng tài để che giấu hoặc đổ vấy cho sự yếu kém và có ý đồ khác về trận hòa 2-2 sau lần thắng đậm 5-0 ở giải V-League (!?).
Dù sao hai trận tứ kết Cúp Quốc gia của Hà Nội và HA Gia Lai còn có điều để nói, khác với những trận đấu của nhiều đội bóng có tư tưởng buông bỏ cho nhẹ nợ.
Trong khi đó, những động thái gần đây của VPF như từ chối hợp tác với một số trọng tài có tì vết hoặc lần đầu tiên dừng nhiệm vụ của một giám sát kiêm phó Ban Trọng tài VFF mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tồn tại của bóng đá Việt Nam. Vấn đề nâng tầm cầu thủ, đẩy cao chất lượng chuyên môn của các trận đấu và cải thiện sai sót của trọng tài nhiều năm qua vẫn đi vào một lối mòn.