Tăng cường các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, sáng 1-10, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế và các kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực.

Cần bổ sung biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết Luật PCTN năm 2018 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, quy định của luật vẫn còn hạn chế. Cụ thể, Luật PCTN mới quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực mà chưa có quy định vấn đề xử lý đối với tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc. Luật cũng chưa quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng bị tẩu tán, chuyển dịch hay hủy hoại; chưa quy định về trách nhiệm giải trình về tài sản của người thân trong gia đình người thuộc diện kê khai, công khai tài sản, thu nhập khi có cơ sở nghi ngờ họ giúp che giấu tài sản, thu nhập.

Phan Sào Nam (giữa) bị tòa phúc thẩm tuyên phạt năm năm tù về hai tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền, bị phạt hơn 926 tỉ đồng, tịch thu sung quỹ nhà nước hơn 548 tỉ đồng. Ảnh: TUYẾN PHAN

Cũng theo bà Lê Thị Vân Anh, Luật Thanh tra hiện hành quy định việc áp dụng một trong các biện pháp như tạm giữ tiền, đồ vật sử dụng trái phép, phong tỏa tài khoản, kiểm kê tài sản đối tượng thanh tra… chỉ được thực hiện đối với tiền hoặc tài sản liên quan đến nội dung thanh tra. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng một trong các biện pháp trên. Như vậy, khả năng đối tượng bị thanh tra tẩu tán tài sản liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chưa có quyết định thanh tra khác để mở rộng phạm vi thanh tra là rất lớn.

Luật Thanh tra đang sửa đổi, cần bổ sung một số biện pháp ngăn chặn mà cơ quan thanh tra hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra có thể áp dụng ngay mà không cần phải yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn không để nguy cơ tẩu tán tiền, tài sản. Theo đó, cùng với biện pháp yêu cầu phong tỏa tài khoản thì cần áp dụng cả biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật hoặc kê biên tài sản nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán, chuyển dịch tiền, tài sản.

Yêu cầu nâng cao vai trò người đứng đầu

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định công tác thi hành án dân sự (THADS) nói chung và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế những năm vừa qua luôn được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát sao, quyết liệt. Kết quả thu hồi tài sản tiếp tục có những chuyển biến, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, từ giai đoạn 2013-2020, cơ quan THADS các cấp đã tích cực xác minh, xử lý tài sản để thu hồi được gần 48.000 tỉ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi đã thi hành xong gần 23.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng yêu cầu trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, cần tập trung rà soát, lập kế hoạch, phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; những vụ việc có tài sản để THA. Trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, chủ động áp dụng nhiều giải pháp như thành lập tổ công tác thi hành các vụ án lớn, phức tạp; xây dựng kế hoạch, tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể giao tài sản ngay khi địa phương hết giãn cách.

“Công tác PCTN trong hệ thống THADS tiếp tục được chú trọng, ngày càng được chỉ đạo quyết liệt hơn; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra được quan tâm hơn, nhiều sai phạm xảy ra đã bị xử lý nghiêm” - bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh mỗi đảng viên, công chức trong toàn hệ thống THADS phải tự nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm về PCTN trong lĩnh vực THADS.

Bộ trưởng yêu cầu nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; nhất là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện tiêu cực, sai phạm của công chức trong cơ quan, đơn vị mình quản lý; thực hiện trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cơ quan THADS.

 Tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đã biểu dương Tổng cục THADS, Cục THA tỉnh Phú Thọ và cơ quan hữu quan nỗ lực thu hồi 3 triệu USD tại nước ngoài trong vụ án Phan Sào Nam phạm tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm