Thu hồi tài sản tham nhũng 'khủng' hậu xét xử

Ngày 26-3 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã ký quyết định gia hạn hoạt động thêm sáu tháng đối với Tổ công tác phía Nam (bắt đầu từ ngày 1-4). Trong sáu tháng qua, Tổ công tác phía Nam thuộc Tổng cục THADS đã hỗ trợ tối đa cho 23 Cục THADS từ Phú Yên đến Cà Mau trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Pháp Luật TP.HCMđã trao đổi với ông Nguyễn Văn Lực, Tổ trưởng Tổ công tác phía Nam, hiện là phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS, xung quanh vấn đề này.
Sáu tháng thu hồi được hơn 1.000 tỉ đồng
. Phóng viên: Khái quát về công việc cụ thể của Tổ công tác phía Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho 23 Cục THADS các địa phương là gì, thưa ông?
Thu hồi tài sản tham nhũng 'khủng' hậu xét xử ảnh 1
 

+ Ông Nguyễn Văn Lực: Tổ có nhiệm vụ tổng hợp danh sách vụ việc, tiến độ thi hành, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức THA các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, do các cơ quan THADS tại khu vực phía Nam đang tổ chức thi hành để báo cáo tổng cục trưởng xem xét, chỉ đạo. 

Tổ cũng thường xuyên trao đổi với các cơ quan THADS, đặc biệt là Cục THADS TP.HCM về các vụ việc (bởi phần lớn việc loại này do cơ quan THADS trên địa bàn TP.HCM tổ chức thi hành). Tổ đề nghị các cơ quan THADS chủ động tổ chức họp liên ngành, họp Ban Chỉ đạo THADS hoặc báo cáo kịp thời về Tổng cục THADS để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm việc với các cơ quan có liên quan của trung ương, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ tổ chức THA.
. Thu hồi tài sản từ án tham nhũng, kinh tế là phần việc rất khó nhưng trong sáu tháng qua tổ công tác đã thu hồi được trên 1.000 tỉ đồng. Vậy các cơ quan THADS và tổ công tác đã hài lòng về con số này? 
+ Tổ công tác phía Nam chỉ phối hợp để nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thu hồi tài sản. Đơn vị trực tiếp tổ chức thi hành là các cơ quan THADS địa phương (Cục THADS, Chi cục THADS). Do đó, việc thu hồi được số tiền như trên là thành tích của các cơ quan THADS địa phương. Tổ công tác, các cơ quan THADS, chấp hành viên đã hết sức nỗ lực, cố gắng nhưng bảo là hài lòng thì chưa.
Kê biên, phong tỏa tài sản, tiền từ giai đoạn điều tra
. Thưa ông, khó khăn lớn nhất trong việc THA thu hồi tài sản trong loại này là gì, quá trình tổ chức THA gặp những vướng mắc gì và khắc phục ra sao? 
+ Khó khăn, vướng mắc thì nhiều. Điển hình như người phải THA chưa có điều kiện THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản nhỏ hơn nhiều so với nghĩa vụ THA.
Ngoài ra chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền chậm cung cấp thông tin xác minh chủ sở hữu tài sản là nhà, đất. Tòa án thì chậm giải thích, đính chính bản án hoặc có văn bản giải thích nhưng vẫn còn sai sót, dẫn đến việc chưa xử lý được tài sản…
Để khắc phục tình trạng trên, tổ công tác thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan THADS giải quyết dứt điểm vụ việc, kịp thời báo cáo lãnh đạo Tổng cục THADS xử lý các tình huống, những khó khăn, vướng mắc phát sinh. 
Tổng cục THADS thường xuyên phối hợp với TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao tại TP.HCM, các cơ quan, ban, ngành có liên quan để tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh quá trình tổ chức THA.

Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án quận 1(TP. HCM) đang tổ chức thi hành án. Ảnh minh họa: NGÂN NGA

Ngoài ra, tổ công tác còn kiến nghị Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan tố tụng ở giai đoạn trước, nhất là giai đoạn điều tra cần tích cực truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để đảm bảo THA, tránh việc các bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành.

. Dư luận đặc biệt quan tâm việc cơ quan THA thu hồi khoản tiền từ án tham nhũng, kinh tế vì nó khá lớn, quá trình tác nghiệp cơ quan THA có bị áp lực hay trở ngại gì không, thưa ông?
+ Áp lực về trình tự, thủ tục về THADS khá nhiều, việc kê biên, xử lý tài sản mất nhiều thời gian dẫn đến tiến độ thu hồi còn chậm. Luật còn chưa rõ ràng, còn nhiều vướng mắc, có những vấn đề chưa quy định, ví dụ như chưa có quy trình xử lý tài sản là cổ phiếu đã niêm yết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hồi còn thấp.
Kiến nghị sửa đổi nghị quyết về xử lý nợ xấu 
. Với tư cách là tổ trưởng và là người trực tiếp tham gia chỉ đạo phối hợp việc thu hồi tài sản từ án kinh tế, ông có kiến nghị cụ thể gì? 
+ Các địa phương tại khu vực phía Nam đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả THA cho các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng năm 2020 và đầu năm 2021 còn thấp cả về việc và tiền, số lượng việc tồn đọng chuyển kỳ sau còn lớn.
Nghị quyết số 42 có một số nội dung quy định chưa rõ hoặc không thống nhất với pháp luật về THADS, pháp luật về thuế dẫn đến việc THA kéo dài, tồn đọng, phát sinh khiếu nại, tố cáo. 
Thứ nhất, sau khi có bản án, quyết định của tòa án, TCTD làm đơn yêu cầu THA. Lúc này cơ quan THADS đã ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản nhưng chưa đưa tài sản ra bán đấu giá. Tuy nhiên, sau đó TCTD lại thông báo cho cơ quan THADS đây là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu và đề nghị rút đơn yêu cầu THA để tự xử lý theo Nghị quyết số 42 dẫn đến có vướng mắc trong việc thanh toán các chi phí kê biên đã phát sinh. 
Thứ hai, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, các TCTD không đồng ý trích tiền bán tài sản bảo đảm để nộp thuế thu nhập cá nhân phát sinh do việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm. Việc này dẫn đến người mua trúng đấu giá không thể thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng. Do đó, hiện nay có nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao tài sản nhưng người mua trúng đấu giá khiếu nại do không thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng. 
Thứ ba, trường hợp người phải THA đang phải thi hành nhiều nghĩa vụ (trong đó có cả khoản thi hành về án phí) nhưng chỉ có tài sản duy nhất đã thế chấp và TCTD xếp vào diện nợ xấu, giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ bảo đảm. Tuy nhiên, nếu theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 42 thì trường hợp TCTD không đồng ý cho cơ quan THADS kê biên, xử lý tài sản thì việc THA bị kéo dài, tồn đọng.
. Vậy phương án khắc phục theo ông là gì?
+ Về nội dung thứ nhất, tại Điều 12 Nghị quyết 42 quy định: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu… 
Ở đây, chi phí liên quan đến việc kê biên tài sản là chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản nên TCTD phải thanh toán chi phí này sau khi xử lý xong tài sản. Do đó, cơ quan THADS yêu cầu TCTD khi rút đơn yêu cầu THA để tự xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42 phải cam kết thanh toán chi phí nêu trên theo quy định khi xử lý xong tài sản.
Nội dung thứ hai, đối với thuế thu nhập cá nhân phát sinh do việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm, khoản 2 Điều 15 Nghị quyết số 42 quy định: Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm. 
Theo pháp luật về thuế thì nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân có thu nhập chịu thuế (ở đây là chủ sở hữu tài sản bảo đảm). Do đó khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm có phát sinh thuế thu nhập cá nhân thì cần phải trích lại khoản thuế này từ số tiền chuyển nhượng. Đây là khoản thuế phát sinh từ việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm, không phải là khoản nợ thuế và phải nộp khoản thuế này mới thực hiện được thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng. 
Nội dung thứ ba, trường hợp giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm nhưng TCTD không đồng ý cho kê biên. Điều 11 Nghị quyết số 42 là trở ngại cho cơ quan THADS khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, mặc dù giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm. 
Vì vậy, các cơ quan THADS cần tích cực phối hợp, trao đổi nhằm thuyết phục các TCTD đồng ý cho kê biên để thu hồi nợ xấu cho TCTD, đồng thời giải quyết việc thi hành cho các cá nhân, tổ chức khác. Đề nghị Tổng cục THADS kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi Nghị quyết số 42 theo hướng áp dụng Điều 90 Luật THADS, khi giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ bảo đảm thì cơ quan THADS vẫn được kê biên, xử lý và ưu tiên thanh toán cho TCTD, tránh tình trạng bên bảo đảm thỏa thuận với TCTD kéo dài việc xử lý tài sản bảo đảm, ảnh hướng tới việc THA cho các cá nhân, tổ chức khác.
Từ những bất cập trên, chúng tôi đã có kiến nghị cụ thể. Đối với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm theo hướng quy định rõ việc khi xử lý tài sản bảo đảm mà phát sinh thuế có liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản thì phải trích lại khoản này để nộp ngân sách nhà nước.
Tổng cục THADS tổng hợp những nội dung của Nghị quyết số 42 chưa phù hợp, còn khó khăn, vướng mắc để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, giúp nâng cao kết quả THADS nói chung và THA tín dụng, ngân hàng nói riêng.
. Xin cám ơn ông.

 
Tổ công tác phía Nam giúp dân không phải ra Hà Nội

Ngày 8-9-2020, tổng cục trưởng Tổng cục THADS đã thành lập tổ công tác giúp việc cho tổng cục trưởng để thực hiện một số nhiệm vụ quản lý công tác THADS tại khu vực phía Nam (23 địa phương từ Phú Yên đến Cà Mau). 

Tổ công tác phía Nam chính thức hoạt động từ ngày 1-10-2020, tại địa chỉ: 200C Võ Văn Tần, phường 5, quận 3, TP.HCM.

Tổ công tác có nhiệm vụ đôn đốc giải quyết án, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành (nhất là án kinh tế, tham nhũng). Thực hiện việc xác minh, thu thập thông tin, tài liệu đối với những vụ việc có liên quan đến các địa phương phía Nam nhanh gọn, giảm chi phí công tác cho tổng cục. 

Đặc biệt, Tổ công tác phía Nam giúp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đến liên hệ trực tiếp, gặp lãnh đạo Tổng cục THADS tại địa điểm trên để trình bày ý kiến, đề nghị giải quyết các vụ việc mà không phải ra Hà Nội. 

Tính đến cuối tháng 2, tổng số vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thi hành tại các cơ quan THADS khu vực phía Nam là 38 vụ tương ứng với số tiền hơn 68.000 tỉ đồng. Đã thu hồi được hơn 16.000 tỉ đồng (riêng trong sáu tháng qua thu hồi hơn 1.000 tỉ đồng), đã ủy thác đi cơ quan THADS khu vực khác khoảng 5.300 tỉ đồng.

Về công tác tiếp công dân, trong sáu tháng hoạt động, tổ đã tiếp 11 lượt công dân và tiếp nhận 14 đơn thư (10 đơn khiếu nại, bốn đơn phản ánh, kiến nghị, không có đơn tố cáo). Tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài ở khu vực phía Nam là 13 vụ, trong đó: Năm vụ việc đương sự còn khiếu nại, tố cáo; tám vụ việc đã giải quyết xong khiếu nại, tố cáo, chỉ còn tổ chức việc THA.

Trong thời gian hoạt động, tổ công tác thường xuyên phối hợp Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổng cục THADS đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc sau khi giải quyết xong khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm