Trong báo cáo vừa công bố, Bộ Công Thương cho biết dự trữ xăng dầu quốc gia bình quân năm năm qua đạt hơn 370.000 m3 mỗi năm. Số lượng này chỉ tương đương với chín ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ.
“Việc dự trữ xăng dầu còn thấp dẫn tới tình huống trong nhiều giai đoạn thị trường biến động, nhu cầu tăng cao hoặc khi thế giới bất ổn về nguồn cung, nguồn cung trong nước có vấn đề... dẫn đến việc điều hành xăng dầu gặp khó khăn” - Bộ Công Thương thừa nhận.
Do vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ xăng dầu lên một tháng từ nay tới năm 2025, tức gấp khoảng bốn lần hiện nay. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bình ổn thị trường.
Người dân đổ xăng chiều 19-8 tại một cây xăng trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM. |
Nâng dự trữ xăng dầu là cần thiết
Các chuyên gia đánh giá việc Bộ Công Thương đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu lên 30 ngày là hợp lý và cần thiết. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là huyết mạch của nền kinh tế, sử dụng cho hầu hết các ngành sản xuất, đồng thời cũng sử dụng trong tiêu dùng. Do vậy, các quốc gia đều dự trữ xăng dầu.
“Có khoảng 29 nước quy định phải dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho nền kinh tế. Đối với Việt Nam, mức dự trữ chỉ 5-7 ngày là quá ít, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tạo ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế” - ông Lâm chia sẻ.
Có những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị gián đoạn, lượng dự trữ của DN không đạt nên không cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Hà Nội, ví von việc dự trữ xăng dầu có vai trò quan trọng như “lương thực”. Do đó, ông đề xuất cần thiết phải nâng mức dự trữ xăng dầu lên ít nhất 1-2 tháng, tùy điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Lý giải về đề xuất này, ông Phú cho hay hiện mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 21 triệu lít xăng dầu, một con số rất lớn, trong khi kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Thời gian tới nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam cũng tăng lên nên dự trữ xăng dầu quốc gia cũng bắt buộc phải nâng lên mức tương ứng.
“Nhìn về tương lai, cần thiết phải nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia lên 30-60 ngày. Nếu tầm nhìn ngắn hạn thì chúng ta sẽ lúng túng khi có biến động về giá, biến động về tình hình địa chính trị thế giới, thiên tai, cấm vận, chống bán phá giá…” - ông Phú nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng nếu không chủ động nguồn dự trữ thì việc kinh doanh xăng dầu sẽ còn “chịu trận” như giai đoạn vừa rồi. Ông dẫn chứng khi giá xăng xuống thấp, Trung Quốc mua ồ ạt của các nước. Khi giá lên, họ bình quân gia quyền nên giá xăng của họ ổn định.
PVN muốn xây tổ hợp lọc,
dự trữ dầu thô 19 tỉ USD
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa đề xuất Chính phủ đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Bà Rịa-Vũng Tàu gần 19 tỉ USD.
Theo PVN, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% và giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. Khi đó Việt Nam sẽ thiếu hụt lượng lớn sản phẩm xăng dầu, ước tính 19,5 triệu tấn vào năm 2030 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045.
Cạnh đó, dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay mới đáp ứng được 5-7 ngày tiêu dùng, nên phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất và cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu… Vì vậy PVN đánh giá việc xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại miền Nam là cần thiết.
Có thời điểm không cung ứng kịp thời xăng dầu
Ngoài dự trữ xăng dầu quốc gia, hiện nay tại Việt Nam còn có dự trữ xăng dầu lưu thông của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho biết với dự trữ lưu thông, theo Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, DN đầu mối phải đảm bảo lượng hàng dự trữ lưu thông đủ 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề.
Trong năm năm qua các DN đầu mối cơ bản thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa. Song có những thời điểm, nhất là giai đoạn nguồn cung trong nước bị gián đoạn như hồi đầu năm nay, lượng dự trữ của DN không đạt, nên không cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ (có thời điểm hàng loạt cây xăng đóng cửa, treo bảng hết xăng).
Lý do là DN phải tự bỏ chi phí, trong khi giá tăng cao nên chi phí dự trữ tăng. Trong khi giá bán xăng dầu do Nhà nước kiểm soát lại gần như không gồm chi phí dự trữ, nên để đảm bảo hiệu quả, DN phải giảm tối đa hàng lưu kho.
“Trong khi đó, người dân và DN sử dụng xăng dầu thường có tâm lý đổ xô đi mua khi có thông tin giá sắp tăng hoặc khi thế giới bất ổn về nguồn cung, nguồn cung trong nước có vấn đề... khiến điều hành xăng dầu gặp khó khăn” - Bộ Công Thương thừa nhận.
Bên cạnh đó, dự trữ xăng dầu quốc gia cũng không có kho riêng mà đa số gửi vào kho dự trữ thương mại của các DN đầu mối. Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng thừa nhận đây là điều bất hợp lý. “Cần có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các DN đầu mối và DN phân phối” - Bộ trưởng nói.•
Phải tách biệt dự trữ nhà nước với dự trữ doanh nghiệp
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định Nhà nước cần bỏ tiền đầu tư sớm xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia chứ không gửi trong kho của DN như hiện nay. Bởi gửi dự trữ xăng dầu quốc gia vào trong hệ thống kho của DN rất bất cập, khó kiểm tra, khó quản lý.
Việc chứa chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh cũng khó khăn trong quản lý hoạt động nhập, xuất, luân phiên đổi hàng và khó xác định chính xác tỉ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia trong quá trình nhập, xuất, bảo quản.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: “Dự trữ phải riêng biệt thì mới quản lý, luân chuyển được. Tất nhiên việc đầu tư kho dự trữ sẽ ngốn một nguồn kinh phí rất lớn, song đổi lại chúng ta được cái lớn hơn chính là sự ổn định nguồn cung cho tiêu thụ xăng dầu. Nó sẽ góp phần ổn định giá xăng dầu một cách chắc chắn hơn trước, tránh những biến động phức tạp gây hệ lụy không đáng có như trong những tháng đầu năm 2022”.