Tặng quà nhỏ, mua lại to

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho hay tham nhũng, hối lộ diễn ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành, trung ương trong hầu hết lĩnh vực như đất đai, tài chính ngân hàng, mãi lộ, khoáng sản, trốn thuế buôn lậu, hải quan. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán lợi dụng việc tặng nhận quà để hối lộ ngày càng trở nên tinh vi, biến tướng khó lường.

Vợ con nhận là phải xử lý

. Phóng viên: Vừa qua, TP.HCM có đề xuất giải pháp xử lý hối lộ thông qua chứng cứ gián tiếp, vì cho rằng hối lộ hiện nay không chỉ dừng lại ở việc đưa trực tiếp cho quan chức mà chuyển sang cho người thân và biến tướng ở những hình thức rất tinh vi. Ông nhìn nhận gì về điều này và giải pháp này?

+ Ông Phạm Trọng Đạt: Nhận quà hiện nay tinh vi hơn rất nhiều rồi, tuy nhiên muốn xử lý nghiêm việc lợi dụng việc này để nhận hối lộ thì phải có tài liệu, bằng chứng cụ thể, khách quan. Vì thế tới đây cần phải có cơ chế cụ thể để xử dứt điểm.

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Kiến nghị của TP.HCM là rất thực tế và sát với yêu cầu chống tham nhũng và là một đột phá về mặt giải pháp. Giải pháp này chúng tôi cũng đã nghiên cứu, tới đây có thể đưa cụ thể vào Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Về cơ chế xử lý đối với việc nhận quà biếu, quà tặng thì chúng ta đã làm nhiều năm nay rồi nhưng phải nhận thức lại thế nào là quà và việc lợi dụng nhận quà để tham nhũng, hối lộ. Trong thực tế, hiện tượng vợ con nhận thay; hay chuyện tặng món quà có giá trị nhỏ sau đó có việc mua lại quà đã tặng với số tiền cao hơn rất nhiều là có. Tuy nhiên, chúng tôi chưa phát hiện ra những trường hợp này, còn nếu đầy đủ cơ sở để khẳng định có việc lợi dụng việc tặng quà, nhận quà này để tham nhũng, hối lộ và nó là biến tướng của tham nhũng thì phải xử lý nghiêm.


Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ, đang xử lý các tin báo tham nhũng qua đường dây nóng. Ảnh: Đ.TRUNG

Hàng trăm tin tố cáo tham nhũng gửi về TTCP

. Sau một thời gian TTCP triển khai đường dây nóng để người dân tố cáo các hành vi tham nhũng, kết quả đến nay thế nào, thưa ông?

+ Kể từ khi có đường dây nóng, người dân đã mạnh dạn, tin tưởng cung cấp thông tin, tố cáo tham nhũng. Đến thời điểm hiện nay đã thu được nhiều thông tin, tin tức có dấu hiệu tham nhũng. Trong vòng 20 ngày vừa qua có tới 230 tin, cuộc điện thoại đến với đường dây nóng phản ánh ở rất nhiều địa phương trong cả nước và một số bộ, ngành, lĩnh vực mà theo người dân những thông tin này đều có dấu hiệu tham nhũng ở rất nhiều lĩnh vực, tập trung là các thông tin tố cáo ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai…

Người tố cáo tham nhũng bao gồm rất nhiều tầng lớp khác nhau, kể cả cán bộ, công chức các cấp, ngành trung ương và địa phương.

. Những thông tin tố cáo tham nhũng của người dân thông qua đường dây nóng được xử lý cụ thể như thế nào, thưa ông?

+ Có khoảng 50% trong số này, chúng tôi chủ yếu giải thích, hướng dẫn người dân khiếu kiện, tố cáo đúng pháp luật và đúng cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Có khoảng 30% thông tin tố cáo được Cục Phòng, chống tham nhũng tổ chức, phối hợp, củng cố thông tin tố cáo rồi chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý. Chẳng hạn như tình trạng cảnh sát, công an mãi lộ thì chuyển cho Bộ Công an hoặc liên quan đất đai thì giao phối hợp với Bộ TN&MT. 20% thông tin tố cáo còn lại chúng tôi trực tiếp đề nghị cung cấp thêm tài liệu liên quan nhằm đánh giá và khi thấy có dấu hiệu tham nhũng thì để các cơ quan vào cuộc xử lý.

Thưởng người tố cao tham nhũng sẽ đặc biệt cao

. Vừa qua TTCP phối hợp với một số bộ liên quan triển khai đề án khuyến khích tố cáo tham nhũng nội dung cụ thể như thế nào và cơ chế có gì mới hơn so với trước đây?

+ Về mặt chủ trương là khuyến khích người dân tố cáo về tham nhũng, đồng thời có những chính sách mới trong việc bảo vệ người tố cáo. Thực hiện chính sách khuyến khích, kịp thời khen thưởng người dân có tố cáo về tham nhũng. Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng quỹ phòng, chống tham nhũng và sẽ được thực hiện vào năm tới sau khi có thông tư liên tịch giữa TTCP và Bộ Tài chính. Ngoài ra vẫn thực hiện chế độ khen thưởng của các cấp, các ngành. Tới đây khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng sẽ đặc biệt cao hơn so với trước đây nhiều để nhằm khuyến khích người dân tham gia phòng, chống tham nhũng.

. Vậy cơ chế bảo vệ đối với người tố cáo có điểm gì mới, thưa ông?

+ Cơ chế bảo vệ đối với người tố cáo đã có nghị định của Chính phủ, luật đã quy định. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, TTCP đang xây dựng thông tư thực hiện nghị định này rõ hơn, cụ thể, thiết thực hơn, có tính khả thi hơn. Chúng ta chưa thể làm như nước ngoài, chẳng hạn chuyển người tố cáo tham nhũng đến một điểm công tác, địa phương khác. Hiện nay Việt Nam mới chỉ dừng ở giáo dục, giải thích cho những đối tượng bị tố cáo tránh trường hợp trù dập, trả thù người tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo bị làm hại, pháp luật sẽ nghiêm trị, đồng thời có biện pháp bảo vệ họ an toàn.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm