‘Tặng’ quan tài coi chừng bị xử hình sự

Sự kiện mang quan tài đến tặng chủ quán cà phê ở TP Cà Mau hiện đang gây chú ý dư luận.

Như chúng tôi đã thông tin, vào khoảng 11 giờ 30 ngày 30-11, ông Tài Lợi (còn có tên Lâm Văn Bửu, 67 tuổi) bất ngờ mang một cỗ quan tài mới đến đặt ở phần ranh đất của ông và quán cà phê Sỏi Đá (đang sửa chữa, sắp khai trương). Đồng thời, ông hô lớn sẽ ăn thua đủ với chủ quán Sỏi Đá nếu không chịu tháo dỡ các phần xây dựng mà ông cho rằng đã lấn qua đất của vợ chồng ông. Sự vụ khiến nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem. Sau hơn một giờ náo động thì cỗ quan tài được công an địa phương cho di dời chỗ khác, giải tán đám đông.

Đến ngày 1-12, hai bên được mời đến phường 5, TP Cà Mau giải quyết. Tại đây, phía vợ chồng ông Tài Lợi đưa ra bằng chứng thể hiện quán cà phê Sỏi Đá đã xây dựng ban công thò qua phần đất của ông Tài Lợi ngang gần 1 m, dài 12 m. Ông Tài Lợi đề nghị phía ông Phạm Quốc Hùng, chủ quán cà phê Sỏi Đá, tháo dỡ trả lại phần tĩnh không này cho mình. Ông Hùng không đồng ý mà cho rằng ông xây dựng đúng phép và đã được Sở Xây dựng chứng nhận hồ sơ hoàn công. Cuộc hòa giải bất thành, chính quyền phường hướng dẫn hai bên có quyền khởi kiện ra TAND để giải quyết.

Ngày 2-12, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Tài Lợi nhưng tài xế ông nghe máy và cho biết ông đang không được khỏe nên chưa tiếp chuyện được. Trong khi đó,  ông Hùng cho biết việc ông Tài Lợi mang quan tài đến quán ông làm ầm ĩ đã khiến gia đình ông bất an nhiều ngày qua.

Thượng tá Hồ Quốc Việt, Phó Trưởng Công an TP Cà Mau, cho biết đã cử cán bộ xác minh, làm rõ thêm tình tiết vụ đem quan tài đi “tặng” vào trưa 30-11. “Trước đây, Cà Mau cũng từng xảy ra sự vụ tương tự. Để giải quyết mâu thuẫn, một người dân đã mang quan tài đến khu vực tranh chấp đất để gây sự. Vụ đó chúng tôi đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, bởi hành vi khá rõ là đem quan tài đến rồi la lối làm mất an ninh trật tự. Còn vụ ông Tài Lợi mang quan tài đến quán cà phê Sỏi Đá thì cần xác minh và nghiên cứu thêm mới có hướng giải quyết cụ thể. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi thấy chỉ có thể xử phạt hành chính ở hành vi gây rối trật tự công cộng nếu có đủ căn cứ chứng minh ông đã làm ầm ĩ” - Thượng tá Việt cho biết.

Liệu người tặng quan tài có bị xử lý gì không? Pháp luật hiện hành quy định ra sao về hành vi lạ lùng này?

Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao:

Có dấu hiệu của tội gây rối


 
Theo tôi, hành vi mang quan tài đến đặt cạnh quán cà phê rồi cầm dao dọa chém và chửi bới này có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng. Nếu các cơ quan có thẩm quyền đánh giá đã đến mức xử lý hình sự thì cần xử để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Còn nếu đánh giá nhóm này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, không làm náo động bởi công an đã kịp thời có mặt thì vẫn có chế tài hành chính để xử lý. (Điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng.

Quan tài trong trường hợp này được xem là phương tiện để dùng gây sức ép, đồng thời còn tạo ra một tình huống tâm linh để gây rối. Tuy tình tiết mang quan tài khiến hành vi gây rối trở nên nguy hiểm hơn nhưng tình tiết này lại không được quy định trong luật nội dung…

Luật sư NGÔ HUỲNH PHƯƠNG THẢO, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Hành vi đe dọa giết người


 
Theo tôi, có thể xử lý về tội đe dọa giết người nếu thỏa mãn các yếu tố: Hành vi đe dọa gây cho nạn nhân lo sợ có căn cứ là hành vi giết họ sẽ được thực hiện. Lỗi của những người thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp xâm phạm đến tính mạng. Người phạm tội biết rõ và nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn thực hiện. Thái độ và tâm lý của người bị đe dọa sẽ là căn cứ cho việc cấu thành tội phạm này.

Có thể thấy rằng hành vi dẫn đường và tổ chức việc mang quan tài, sau đó nhóm mang quan tài còn cầm dao đe dọa, chửi bới là khủng bố tinh thần người khác làm nạn nhân suy sụp. Theo quan niệm truyền thống, quan tài ngầm ý như là sự chết chóc. Việc hù dọa kiểu này cần được xử lý nghiêm để bảo đảm trật tự an toàn xã hội

Luật sư CHÂU QUÝ QUỐC, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Nên để quy phạm đạo đức điều chỉnh


 
Hiện nay chưa có quy định nào xử lý việc người dân dùng quan tài, vòng hoa tang để khủng bố tinh thần người khác. Đối với mọi người, việc bị tặng quan tài, vòng hoa là một sự hăm dọa, gia đình thường hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, trên thực tế hành vi này đối với một số đồng bào dân tộc thiểu số lại là một mỹ tục. Ví dụ như người Cơ Tu quý nhau thì tặng cho nhau quan tài trong ngày vui, ngày cưới, hỏi…

Do vậy, việc người ta tặng nhau cái quan tài cũng không nên đòi hỏi phải sửa hay bổ sung thêm quy định pháp luật để phạt. Ngoài quy phạm pháp luật, chúng ta còn có quy phạm đạo đức, tập quán, phong tục để điều chỉnh. Vả lại, thực tiễn cuộc sống rất phong phú, nếu chúng ta quy định cấm tặng quan tài thì người ta sẽ khủng bố tinh thần bằng muôn vàn hình thức “quà tặng” khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới