Tăng shipper để kịp đưa cá, rau… đến người dân TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đã cho phép shipper (người giao hàng) hoạt động trở lại từ ngày 31-8 tại các vùng đỏ với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là tín hiệu vui trong việc kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa đang bị đứt gãy. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là thiếu shipper.

Việc cho shipper hoạt động trở lại phần nào sẽ nối lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy tạm thời ở một số khu vực. Ảnh: TH

Gấp rút nối lại việc giao hàng cho dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc phát triển Công ty Tiki, đánh giá việc TP.HCM cho phép shipper hoạt động trở lại ở vùng đỏ giúp sàn nối lại chuỗi cung ứng đã đứt gãy cục bộ trước đó, đồng thời giúp sàn giải quyết tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa.

Tuy nhiên, ông Khánh cho biết Tiki chưa triển khai việc giao hàng đồng loạt ở tất cả quận, huyện dù đã được phép hoạt động trở lại. “Chúng tôi cần thời gian làm việc với chính quyền địa phương để đảm bảo đầy đủ các thông tin cho shipper hoạt động trở lại mà không gặp phải các vướng mắc, trở ngại nào. Bên cạnh đó, đối với gian hàng Tiki Ngon, bán thực phẩm, chúng tôi cũng đang làm việc với các đối tác để khi mở lại thì có thể giao hàng ngay tới người tiêu dùng”.

Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, đánh giá rất cao quyết định của các cơ quan chức năng trong việc cho phép các nhân viên giao hàng hoạt động trở lại. Theo đó, sàn này đã nhanh chóng khởi động lại việc giao hàng tại TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân.

“Kể từ ngày 30-8, Lazada đã giao thành công hàng chục ngàn đơn hàng cho người dân TP.HCM. Con số này dự kiến sẽ còn tăng cao trong những ngày tiếp theo” - vị này tiết lộ.

Trong khi đó, sàn TMĐT Vỏ Sò cho biết mặc dù TP.HCM cho phép shipper hoạt động trở lại nhưng trước mắt chỉ vận chuyển hàng hóa, chưa tham gia vào việc đi chợ hộ. Vì vậy, ngày 31-8, sàn này đã mở trang “đi chợ online” với đa dạng các loại combo rau xanh, hoa quả… gồm nhiều mức giá chỉ từ 109.000 đồng.

Theo đơn vị này, việc cho shipper hoạt động trở lại sẽ tạo điều kiện cho sàn được vận chuyển hàng hóa thiết yếu tồn đọng lâu nay tới người tiêu dùng. “Bên cạnh đó, với việc ra mắt thêm gian hàng “đi chợ online” trong thời điểm này, sàn hy vọng sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa của TP đông dân nhất cả nước, giữa bối cảnh các siêu thị bị dồn ứ hàng hóa và đội ngũ shipper công nghệ chỉ vừa mới được hoạt động trở lại” - ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò, chia sẻ.

Thiếu shipper trầm trọng

Các sàn TMĐT đều cho biết tuy nhu cầu mua hàng thiết yếu của khách hàng rất lớn và đang tăng rất nhanh nhưng họ lại đang thiếu người giao hàng. Ông Ngô Hoàng Gia Khánh thông tin: Hiện nay, đội ngũ shipper còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 10% so với nhu cầu, do đó đơn vị này rất mong được mở rộng thêm đội ngũ shipper nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao.

“Do ảnh hưởng của dịch và các quy định hiện nay, số lượng hoàn thành đơn hàng của khách trở nên hạn chế” - ông Khánh thừa nhận.

Phía Viettel Post thông tin 400 nhân viên bưu tá của đơn vị đã được cấp giấy đi đường, tiêm đủ hai mũi vaccine phòng bệnh…, đang hoạt động tích cực trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, Viettel Post cũng thừa nhận hiện số lượng shipper được cấp giấy đi đường còn khiêm tốn nên phải cân đối nguồn lực nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Là đối tác của các sàn TMĐT, Công ty cổ phần Dịch vụ Tức thời (AhaMove) cho rằng việc cho phép shipper hoạt động trở lại đáng mừng nhưng vẫn lo. Nguyên nhân đến từ việc giới hạn số lượng shipper và giới hạn giao hàng nội quận khiến số đơn hàng không được hoàn thành khá nhiều. 

Đơn vị này dẫn chứng trước khi giãn cách xã hội có khoảng 70% đơn hàng là giao hàng liên quận. Nay chỉ chạy nội quận thì dẫn đến khả năng sàn sẽ rơi vào tình trạng tài xế ngồi chơi nhưng yêu cầu của khách vẫn không được xử lý. Từ thực tế trên, đơn vị này mong muốn tăng thêm số lượng shipper được phép hoạt động.

 “Đây là vấn đề liên quan lớn đến cân bằng cung cầu. Hiện nay, nhu cầu cần giao hàng của người dân quá lớn, trong khi số lượng shipper được cấp phép vẫn còn hạn chế dẫn đến chênh lệch cung cầu, ảnh hưởng tới phí giao hàng. Nếu số shipper nhiều hơn, phí giao hàng sẽ giảm xuống” - đại diện AhaMove bày tỏ.

Đơn vị này cũng đề xuất tăng hạn sử dụng của giấy xét nghiệm lên 3-5 ngày. Bởi việc giấy xét nghiệm chỉ có hạn sử dụng một ngày khiến giảm số lượng shipper có thể hoạt động. Nguyên nhân do họ lo ngại xét nghiệm quá đông dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh, xét nghiệm liên tục hằng ngày gây đau mũi và bất tiện cho sự hoạt động của họ.

Shipper muốn quay lại làm việc nhưng…

Không chỉ các sàn TMĐT, mà các shipper cũng bày tỏ mong muốn quay trở lại làm việc nhưng lại gặp nhiều vướng mắc. Anh Phạm Thái Phong, shipper của một sàn TMĐT, kể: “Tôi phụ trách khu vực quận Gò Vấp, tuyến đường thuộc vùng đỏ nên phải nghỉ hơn 10 ngày qua, ảnh hưởng tới thu nhập của gia đình, khi có hai con nhỏ và phải ở trọ”.

Tuy nhiên, theo anh Phong, hiện nay các shipper như anh rất khó tìm chỗ test nhanh hoặc có chỗ test thì phải xếp hàng rất lâu để chờ, dù khung giờ test khá sớm, 5-6 giờ sáng.

“Tôi chỉ mong có thêm nhiều cán bộ y tế trong một trạm xá hỗ trợ test nhanh cho nhân viên giao hàng để tránh tụ tập đông đúc và chờ đợi nhiều giờ đồng hồ. Đồng thời, tôi cũng mong muốn đơn vị vận chuyển trang bị quần áo bảo hộ cho shipper khi đi giao hàng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình” - anh Phong bày tỏ.

Nhiều shipper khác cũng lo ngại việc tập trung đông để xét nghiệm, chờ đợi xét nghiệm lâu, sợ bị phạt... Thậm chí, trên một số nhóm Facebook, các shipper còn kêu gọi các đồng nghiệp “tắt app”, ngừng chạy giao hàng vì các quy định ngày càng khắt khe đối với lĩnh vực này.

Đại diện ứng dụng AhaMove thừa nhận hoạt động của tài xế ở vùng đỏ gặp khó khăn, dù tình hình xét nghiệm đã được cải thiện ở một số trạm y tế vào sáng 1-9. Bên cạnh đó cũng có trường hợp “tắt app” vì sợ ra đường bị phạt dù được trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ để đưa tài xế hoạt động trở lại.•

Siêu thị cũng thiếu shipper

Sáng 1-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chuyến thăm và làm việc tại Siêu thị AEON Tân Phú. Báo cáo với Phó Thủ tướng về hoạt động đi chợ hộ, đại diện AEON Việt Nam cho biết để tăng khả năng cung ứng, siêu thị đã triển khai các hình thức đặt hàng và thanh toán trực tuyến, cũng như bố trí giao hàng bằng xe tải. Tuy nhiên, việc cung ứng hàng hóa vẫn còn gặp khó khăn, chủ yếu do thiếu shipper.

Phó Thủ tướng gợi ý siêu thị có thể phối hợp với chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho các F0 đã khỏi bệnh, đủ sức khỏe tham gia lực lượng soạn hàng, đóng hàng... Từ đó vừa có thể hỗ trợ thêm một phần thu nhập cho lao động địa phương, vừa tăng cường nhân lực cung ứng hàng hóa.

   
 

Đề xuất đi chợ hộ qua app

Nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng và thực phẩm thiết yếu đến với người dân, Sở Công Thương TP.HCM vừa đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức hỗ trợ triển khai mô hình đi chợ hộ của Shopee, Tiki, Be, Sendo và Grab.

Cơ quan này cũng đề nghị các địa phương phổ biến các mô hình đi chợ hộ thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến đến các phường, xã, thị trấn và các hệ thống phân phối trên địa bàn để triển khai thực hiện. Từ đó hỗ trợ kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu, gia tăng các điểm bán cung ứng hàng hóa cho người dân.

Trước đó, Sở Công Thương đã nhận được đề xuất hỗ trợ miễn phí sử dụng nền tảng công nghệ sẵn có và bổ sung lực lượng giao hàng từ các doanh nghiệp giao hàng công nghệ và sàn TMĐT. Cơ quan này cũng cho rằng nếu huy động 25.000 shipper hoạt động thì có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình tại TP.HCM.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm