Doanh nghiệp đề xuất cho mượn hạ tầng công nghệ hỗ trợ 'đi chợ hộ'

Công ty TNHH Grab Việt Nam vừa có đề xuất gửi UBND TP.HCM về việc cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab hỗ trợ kết nối lực lượng đi chợ hộ với đơn vị cung ứng hàng hóa và người dân tại các khu vực shipper không hoạt động.

Theo đó, người dân sẽ tải ứng dụng Garb về điện thoại thông minh và tạo tài khoản người dùng trên ứng dụng.

Sau đó vào danh mục GrabMart trên ứng dụng, nhập địa chỉ cư trú, lựa chọn các mặt hàng và số lượng cần mua, sau đó kiểm tra lại thông tin, chọn hình thức thanh toán và ấn nút đặt hàng.

"Grab khuyến khích khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu tiếp xúc vật lí. Trường hợp người dùng chưa có thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán và ví điện tử có thể lựa chọn phương thức trả tiền mặt cho người đi chợ hộ" - đề xuất Grab nêu.

Trong trường hợp người dùng chọn thanh toán tiền mặt, cán bộ đi chợ thay có thể tạm ứng tiền và thu lại của người dân theo biên lai hiện trên ứng dụng giao hàng.

Các tình nguyện viên đi chợ hộ cho người dân

Về phía các đơn vị cung ứng, để kết nối với người dùng, các ứng dụng này chỉ cần tạo lập một gian hàng trực tuyến.

Gian này này sẽ hiển thị đầy đủ các mặt hàng có sẵn cập nhật theo từng thời điểm.

Hàng hóa sẽ được sắp xếp theo dạng đơn lẻ và gói combo. Khi ngươi dùng đặt hàng trên ứng dụng, các đơn vị cung ứng sẽ chuẩn bị hàng hóa và giao cho người đi chợ hộ.

Đối với lực lượng đi chợ hộ, mỗi tổ công tác đặc biệt của phường/ xã sẽ tạo một tài khoản người đi chợ thay, bao gồm tên, số điện thoại đầu mối liên hệ, email và tài khoản ngân hàng.

Khi có đơn hàng của người dân, cán bộ đi chợ thay sẽ nhận thông báo qua ứng dụng Grab và đến đơn vị cung ứng hàng hóa để nhận hàng và đi giao. Mỗi cán bộ đi chợ hộ có thể nhận và giao nhiều đơn hàng trong cùng một chuyến.

Theo đại diện Grab, phương thức này sẽ hỗ trợ lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đảm bảo cung ứng được nhu cầu hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho 33% nhu cầu của người dùng của toàn thành phố.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ có dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý như số lượng hàng hóa, tần suất giao dịch và truy vết...

Mô hình này cũng hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng hàng hóa tăng hiệu quả kết nối với người dùng, tiết kiệm hơn trong quản lí đơn hàng, doanh thu, có cơ hội tham gia vào chuyển đổi số trong vận hàng thương mại.

Cũng theo đại diện Grab, chỉ tính riêng 8 quận/huyện và TP Thủ Đức đang áp dụng công văn 2796 của UBND TP.HCM đã có khoảng 1,9 triệu người dùng và hơn 3500 đơn vị bán lẻ đang hoạt động trên ứng dụng. 

Như vậy, nhờ phương thức giao kết điện tử này có thể ít nhất 1,9 triệu người dùng này sẽ được phục vụ một cách an toàn, thuận tiện, nhanh chóng.

Trong khi đó, đại diện Central Retail Việt Nam bày tỏ đơn vị này sẵn sàng chia sẻ nền tảng nhận và xử lý đơn hàng của hệ thống để hỗ trợ lực lượng chức năng tiết kiệm thời gian trong việc đi chợ hộ.

Theo đó, ứng dụng Bip Bip mà hệ thống này đang vận hành giúp người dùng có thể chọn được những điểm bán gần nhà nhất và đặt hàng. Người đi chợ hộ sẽ dựa trên thông tin này để nhận đơn hàng.

Trước đề xuất của doanh nghiệp, một lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết nếu các đề xuất này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương thì có thể triển khai và áp dụng.

Hiện Sở Công Thương đang phổ biến đề xuất của Grab đến các quận, huyện và hệ thống phân phối thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố để xem xét tính khả thi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm