Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 với 100% phiếu đồng thuận và ngày 1-1-2018 luật này sẽ có hiệu lực.
Luật TGPL thể hiện trách nhiệm của Nhà nước thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc, chăm sóc và bào vệ trẻ em… Đồng thời luật này cũng thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, trợ giúp những người yếu thế trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao dịch vụ pháp lý, chi phí cũng như không có điều kiện tiếp cận những dịch vụ pháp lý thông thường.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: KP
Cục trưởng Cục TGPL, bà Nguyễn Thị Minh triển khai tại hội nghị tám nội dung mới của Luật TGPL năm 2017. Theo đó, TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, cung cấp dịch vụ miễn phí cho người được TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chính vì thế Nhà nước phải có các chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật ngày càng cao của người dân.
Luật TGPL mới cũng mở rộng diện người được TGPL từ 6 lên đến 14 đối tượng. Trong đó, nhóm người được bổ sung trợ giúp mới là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (hiện nay người này đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.). Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo cũng được trợ giúp pháp lý… Luật cũng chú trọng việc phải chuẩn hóa đội ngũ những người làm công tác này phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn “đầu vào” (trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm) nhằm đảm bảo khâu “đầu ra” đạt chất lượng…
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm TGPL tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Kiên Giang đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về nhóm đối tượng khó khăn về tài chính (mới) được TGPL để các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối tượng này. Đồng thời cũng nên áp dụng linh hoạt chứ không nên cứng nhắc về nhóm đối tượng này.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, phát biểu tại hội nghị triển khai Luật Trợ giúp pháp lý. Ảnh: KP
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp-Sở Tư pháp TP.HCM, kiến nghị: Luật này sẽ có hiệu lực ngày 1-1-2018 nên các nội dung về biểu mẫu hợp đồng TGPL cần được ban hành kịp thời để Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL áp dụng.
Điều này cũng nhận được sự đồng thuận của luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM. Luật sư Hòa phân tích, luật chỉ nói đến việc ký kết hợp đồng giữa các bên khi tham gia TGPL chứ không nói nội dung mà điều này dành cho nghị định, thông tư.
Toàn cảnh hội nghị Bộ Tư pháp triển khai Luật Trợ giúp pháp lý 2017. Ảnh: KP
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp-ông Nguyễn Khánh Ngọc chỉ đạo tùy thuộc vào tình hình của từng địa phương mà các cơ quan có thẩm quyền phải tìm cách triển khai Luật TGPL đến người dân một cách có hiệu quả nhất. Thực hiện thành công Luật TGPL là phải đem pháp lý đến người dân nhất là những người yếu thế trong xã hội.
Người được trợ giúp pháp lý 1. Người có công với cách mạng. 2. Người thuộc hộ nghèo. 3. Trẻ em. 4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. 6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. 7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; b) Người nhiễm chất độc da cam; c) Người cao tuổi; d) Người khuyết tật; đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; h) Người nhiễm HIV. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. (Trích Điều 7 Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực ngày 1-1-2018) |