“Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023” vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố ngày 22-6 cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 thấp hơn các dự báo đã được nhiều tổ chức đưa ra trước đó.
|
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể thấp hơn các dự báo trước đó. Ảnh: PLO |
Theo báo cáo, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tốc mạnh mẽ từ quý 3 năm 2022 và tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao dù đã có xu hướng hạ nhiệt.
Theo báo cáo, lạm phát cơ bản tăng 4,54% chính là ẩn số cho việc điều hành ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2023.
Cùng với đó, tỷ giá tại Việt Nam đã có nhiều biến động mạnh từ cuối quý 3 năm 2022, đỉnh điểm là tháng 11 năm 2022.
Các doanh nghiệp nhập khẩu mở rộng dự trữ ngoại hối USD phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong tương lai, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường “găm giữ” ngoại tệ để chờ đợi cơ hội bán với giá cao hơn.
Tuy nhiên, tỷ giá giữa đồng USD và VND đầu năm 2023 đã ổn định trở lại do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ gia tăng lãi suất và lạm phát tại Mỹ giảm bền vững, khiến đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, gánh nặng lãi vay cho doanh nghiệp, xung đột Nga - Ukraine và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là những thách thức của nền kinh tế trong phần còn lại của năm nay.
Báo cáo nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 thấp hơn các dự báo đã được các tổ chức đưa ra trước đó.
Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,5%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 sẽ là 6,5%.
Dù vậy, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có những cơ hội cho sự tăng trưởng. Đó là các chính sách điều hành nền kinh tế gần đây cho thấy những quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy kinh tế trong nước.
Việc tăng điều kiện xuất nhập khẩu cho nhiều ngành hàng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại; cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi đầu tư và các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại sẽ thúc đẩy cho nền kinh tế Việt Nam phát triển thời gian tới.