Tăng tuổi nghỉ hưu: Coi chừng lợi ích nhóm

Có hàng loạt lý do để nhiều người đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Trước hết, có ý kiến cho là tăng tuổi nghỉ hưu vì tuổi thọ người Việt Nam càng ngày càng cao; tăng tuổi nghỉ hưu để cứu nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Lý do này có ổn? Về bản chất, lương hưu là số tiền mà Nhà nước giữ lại của người lao động trong thời gian ít nhất là 20 năm (nhiều nhất có thể 50 năm) và Nhà nước trả lại khi họ về hưu, thông qua cơ quan BHXH. Đây là số tiền người sử dụng lao động nợ của người lao động. Tuổi thọ của người đã nghỉ hưu càng cao thì ít nhiều có ảnh hưởng đến quỹ BHXH nhưng đó không phải là lý do để tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu chỉ vì lý do này thì chỉ cần làm sao để người về hưu “chết sớm” là được!?

Thứ đến là tăng tuổi nghỉ hưu để khỏi lãng phí chất xám nhưng cũng coi chừng có người “lợi dụng” lý do này. Không ai phủ nhận có một số đối tượng nếu cho họ nghỉ hưu ở tuổi 55 (với nữ), 60 (với nam) sẽ lãng phí. Nhưng cả nước có bao nhiêu người thuộc diện này? Có một thực tế là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có bề dày kinh nghiệm trong các lĩnh vực lại muốn nghỉ hưu sớm vì trong suốt thời gian công tác họ giành hết tâm huyết vào công việc nên thường khó khăn về kinh tế nên họ muốn nghỉ sớm để lo gia đình. Còn những người được gọi là “nhà khoa học”, muốn tăng tuổi nghỉ hưu thực chất chỉ là những “tiến sĩ giấy”; là GS, PGS “đến hẹn lại phong”, cả cuộc đời chẳng có một công trình khoa học. Ra nước ngoài coi như “câm, điếc” nếu không có phiên dịch. Họ muốn ở lại không phải để cống hiến mà để kéo dài thêm quyền chức, bổng lộc mà dư luận gọi là “lợi ích nhóm”. Các nhà khoa học có tên tuổi, có tài thật sự, nếu muốn cống hiến thì thiếu gì cách.

Về luật, Điều 187 Bộ luật Lao động (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) quy định: Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Điều luật này còn quy định là người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Như vậy, chỉ những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Chính phủ chỉ cần hướng dẫn: “Thế nào là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, thế nào là trường hợp đặc biệt và đối với người làm công tác quản lý thì họ quản lý ở cơ quan, tổ chức nào và giữ các chức vụ gì kèm theo các tiêu chuẩn để được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn”. Ngay đối với những đối tượng này cũng phải xem xét từng trường hợp và cũng chỉ nên áp dụng trong trường hợp đặc biệt chứ không phải ai thuộc đối tượng này đều tăng tuổi nghỉ hưu. Môi trường, điều kiện làm việc và tính chất công việc là yếu tố quan trọng nhất, chi phối việc tăng hay giảm tuổi nghỉ hưu. Nếu quy định tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt cho tất cả người lao động là trái với Bộ luật Lao động.

Tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng là cần thiết nhưng cần phải tính toán đồng bộ với các chủ trương của Đảng và Nhà nước như cải cách hành chính, cải cách chế độ tiền lương, tinh giản biên chế, chính sách xã hội đối với người cao tuổi… Trước khi đề ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu thiết nghĩ việc cần làm ngay là tinh giản đội ngũ công chức không làm việc, loại bớt công chức kém. Nếu nóng vội, xa rời thực tế sẽ dẫn đến những thiệt hại không chỉ đối với Nhà nước, xã hội mà còn ảnh hưởng đến công tác đào tạo, tuyển dụng người lao động.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm