Tạo bản sao người thân đã khuất bằng AI: Nên hay không nên?

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng việc tạo ra bản sao người thân đã khuất bằng AI có thể giúp xoa dịu nỗi thương nhớ của nhiều người, nhưng công nghệ này cũng tồn tại một số hạn chế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại một nghĩa trang yên tĩnh ở miền đông Trung Quốc (TQ), ông Ngô Thế Cổ lấy điện thoại ra, đặt nó lên bia mộ và phát đoạn ghi âm có giọng của con trai mình.

"Con biết biết mỗi ngày ba đều vô cùng đau đớn vì con, cảm thấy tội lỗi và bất lực. Mặc dù con không thể ở bên ba nữa nhưng linh hồn con vẫn ở thế giới này, đồng hành cùng ba suốt cuộc đời” – giọng nói của con ông Ngô vang lên.

Tuy nhiên, con trai ông Ngô chưa từng nói những lời này. Đây là những âm thanh được tạo nên bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Chẳng những vậy, ông Ngô và vợ đang đầu tư vào quá trình tạo ra hình ảnh sống động như thật của con trai họ bằng AI. Ông Ngô muốn xây dựng hình ảnh này như một bản sao của con trai ông trên không gian ảo, hoạt động và nói chuyện như lúc con trai ông còn sống.

4b1b43fb968c3efc78174a05cc03dce8db0a9e5f.jpg
Ông Ngô Thế Cổ và vợ viếng mộ con trai. Ảnh: AFP

Nắm bắt được nhu cầu của những người như ông Ngô, một số công ty TQ cho biết họ đã tạo ra hàng nghìn "người kỹ thuật số" chỉ từ 30 giây tài liệu video, âm thanh, hình ảnh của người đã khuất.

Các chuyên gia cho rằng phương pháp tạo ra bản sao người thân đã khuất bằng AI có thể mang lại sự an ủi rất cần thiết cho những người suy sụp vì mất người thân. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại những hạn chế đáng lo ngại.

Nhu cầu tăng cao

Con trai ông Ngô qua đời vào năm 2022 ở tuổi 22 do đột quỵ. Khi ấy, con trai ông Ngô đang theo học tại ĐH Exeter (Anh). Ông Ngô cho biết con ông theo học ngành tài chính kế toán. Qua lời kể của ông, con trai ông là một người “có cuộc sống phong phú”, mê thể thao và thích giúp đỡ người khác.

“Thằng bé luôn mang trong mình mong muốn giúp đỡ mọi người và ý thức rất rõ việc nào nên làm, việc nào không” – ông Ngô nói.

Sau sự bùng nổ của các công nghệ như ChatGPT ở TQ, ông Ngô bắt đầu nghiên cứu những cách thức để “hồi sinh” con trai mình trên không gian ảo. Ông đã thu thập các bức ảnh, video và bản ghi âm lời nói của con trai mình. Ông chi hàng nghìn USD để thuê các công ty AI nhân bản khuôn mặt và giọng nói của con trai.

Kết quả cho đến nay vẫn mới là bước đầu nhưng ông cũng đã thành lập một nhóm làm việc để tạo ra cơ sở dữ liệu chứa lượng thông tin khổng lồ về con trai mình. Ông Ngô dự định đưa những dữ liệu này vào các thuật toán để tạo ra một nhân vật có khả năng sao chép lối suy nghĩ và lời nói của con trai ông với độ chính xác cực cao.

Theo ông Trương Trạch Vi – người sáng lập công ty AI Super Brain và từng hợp tác với ông Ngô, ngành công nghiệp tạo ra bản sao người thân đã khuất bằng AI đang bùng nổ ở TQ.

“TQ có trình độ cao về AI. Có rất nhiều người ở TQ muốn xoa dịu cảm xúc của mình. Điều này tạo điều kiện cho chúng tôi mang các sản phẩm AI ra thị trường” – ông Trương nói.

tạo ra bản sao người thân đã khuất bằng AI.jpg
Ông Ngô xem video có giọng nói của con trai ông, được tạo dựng bằng AI. Ảnh: AFP

Ông Trương cho biết công ty Super Brain tính phí từ 10.000 đến 20.000 nhân dân tệ (1.400 đến 2.800 USD) để tạo một hình bản sao của ai đó. Quá trình này mất khoảng 20 ngày.

Khách hàng thậm chí có thể thực hiện các cuộc gọi điện video với một nhân viên của công ty Super Brain. Tuy nhiên, công ty này sẽ dùng AI để thay gương mặt và giọng nói của người nhân viên thành gương mặt và giọng nói của người thân khách hàng.

“Tầm quan trọng của loại công nghệ này đối với toàn thế giới là rất lớn. Phiên bản kỹ thuật số của một ai đó có thể tồn tại mãi mãi, ngay cả sau khi cơ thể của họ đã mất" – ông Trương nói.

“Chủ nghĩa nhân văn mới”

Ông Tư Mã Hóa Bằng – người sáng lập công ty công nghệ Silicon Intelligence có trụ sở tại TP Nam Kinh (TQ) – cho biết công nghệ tạo ra bản sao người thân đã khuất bằng AI sẽ "mang lại một loại chủ nghĩa nhân văn mới".

Ông ví nó như tranh chân dung và nhiếp ảnh, giúp mọi người tưởng nhớ những người đã khuất nhưng theo những cách tiên tiến hơn.

Ông Tal Morse – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Cái chết và Xã hội, thuộc ĐH Bath ( Anh) – cho biết phương thức này có thể mang lại sự thoải mái tạm thời cho tinh thần. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng cần phải nghiên cứu thêm để hiểu được ý nghĩa tâm lý và đạo đức của việc dùng công nghệ thay thế người đã khuất.

“Câu hỏi quan trọng ở đây là các bản sao kia sao chép đúng đến mức nào với tính cách của người đã khuất. Điều gì sẽ xảy ra nếu các bản sao tái hiện không đúng hình ảnh và tính cách người đã qua đời?” – ông Morse nói.

china-science-death-ai-015816.jpg
Ông Trương Trạch Vi tạo dựng video bằng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: AFP

Theo ông Trương, tất cả công nghệ mới đều là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu công nghệ có thể giúp ích cho con người thì không có vấn đề gì.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng mọi người nên tôn trọng người đã khuất và chỉ nên tạo dựng lại hình ảnh của những người lúc sinh thời có di nguyện muốn tạo dựng hình ảnh bằng AI.

Theo ông Ngô, con trai ông "có lẽ đã sẵn lòng" được ”hồi sinh” bằng kỹ thuật số.

“Một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ đoàn tụ trong thế giới vũ trụ ảo (metaverse). Công nghệ đang ngày càng tốt hơn. Vấn đề chỉ là thời gian" – ông Ngô nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm