Theo ông Cư, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ đi sâu vào vấn đề quản lý, khai thác hợp lý các vùng biển, bao gồm các dạng tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Việc xây dựng luật này sẽ là chìa khóa để các ngành quản lý, phát triển biển, đảo một cách bền vững.
Đồng thời, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng sẽ triển khai đồng bộ giai đoạn 2 của Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Hiện nay đã tập hợp được 26 dự án được chọn lọc từ gần 300 dự án mà các bộ, ngành, địa phương đăng ký để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục cũng đã phối hợp với các đơn vị hải quân để đo đạc chi tiết về địa hình đáy biển, cửa sông, ven biển, các vùng biển để phục vụ quốc phòng và giao thông vận tải cũng như phát triển kinh tế biển. Qua đó, đã xây dựng được bước đầu cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên về các số liệu điều tra cơ bản các vùng biển cũng như hải đảo của đất nước. Ngoài ra, tổng cục sẽ tăng cường tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam.
TNT