Với cao tốc TP.HCM – Long Thành, thời gian từ Sài Gòn đi Vũng Tàu bằng xe bằng với tàu cánh ngầm. Ảnh: TL |
“Đua” không lại xe đò
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam), điều đó là hệ quả tất yếu. Ai cũng có thể thấy, thời gian di chuyển bằng đường bộ ở tuyến đường trên đã được rút ngắn lại “vô tình” đẩy lùi lợi thế xưa nay của tàu cánh ngầm. Đã không còn lợi thế thì hiển nhiên lượng khách giảm là điều dễ hiểu.
Và thực tế đã xảy ra. Nếu như trước đây, mỗi lần muốn đi chơi Vũng Tàu, gia đình ông Lê Trung Toàn (ngụ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM) đều ưu tiên chọn đi tàu cánh ngầm. Nhưng trong đợt “đổi gió” vừa qua, cả gia đình ông Toàn gồm năm người đã chọn đường bộ để di chuyển bởi đường bộ giờ đã quá thông thoáng và tiết kiệm. Lựa chọn của ông Toàn cũng đang là lựa chọn của nhiều người dân.
Ông Lê Huy Thảo (chủ tịch hội đồng quản trị hãng tàu Dòng Sông Xanh – hãng tàu cánh ngầm lớn nhất chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu và ngược lại) thừa nhận, lượng khách đi tàu cánh ngầm của đơn vị ông bắt đầu giảm. Theo ông Thảo, trước đây đa phần hành khách chọn tàu cánh ngầm do thời gian di chuyển nhanh (chỉ tốn một giờ 20 phút), trong khi đi xe đò mất ba giờ đồng hồ. Khi đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành thông xe, cũng khoảng cách đó, thời gian đi xe đò rút lại còn một giờ 30 phút. Hơn nữa, giá vé tàu cánh ngầm lại đắt gấp đôi vé xe (vé tàu 200.000 đồng/vé, vé xe 100.000 đồng/vé).
Tuy nhiên, các hãng tàu cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu vẫn khẳng định, tàu cánh ngầm chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu hiện tại chưa thể “chết” ngay được, bởi cũng có rất đông hành khách thích đi đường thuỷ hơn đường bộ.
Thay tàu để cạnh tranh!
Theo tiến sĩ Nguyên, với tình thế hiện tại, hãng tàu cánh ngầm muốn tham gia cuộc đua giành khách thì nhất thiết phải nâng chất về mọi mặt. Nếu không, chắc chắn chuyện bị xoá sổ sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Nguyên, sợ hãng tàu của mình sẽ bị xoá sổ khi cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đưa vào sử dụng, ông Lê Huy Thảo cho hay, từ hơn ba năm trước, hãng tàu của ông đã tìm mọi cách đối phó với “tử huyệt” trên.
Theo đó, chỉ có một phương án để có thể cạnh tranh với đường bộ chính là phải làm sao cho hành khách đi tàu cánh ngầm cảm nhận đây là phương tiện cao cấp, không thua gì máy bay của hãng hàng không quốc gia. Muốn làm được điều này thì chỉ còn một cách là thay mới tàu (vì đa phần các tàu cánh ngầm đang hoạt động trên tuyến TP.HCM – Vũng Tàu đã quá cũ, dù vẫn đảm bảo an toàn) nhưng không tăng giá vé.
“Tuy tình hình kinh tế hiện nay vô cùng khó khăn, nhưng do đã dự đoán trước ba năm – đồng nghĩa với ba năm tích luỹ – tháng 4.2014 tới đây, chúng tôi sẽ quyết định thay thế ba trong tổng số bảy tàu cánh ngầm của đơn vị bằng tàu mới hoàn toàn, và đến năm 2015 sẽ thay thế toàn bộ tàu hiện tại bằng tàu mới”, ông Thảo cho hay.
Với ba chiếc tàu mới mà đơn vị ông Thảo chuẩn bị đưa vào thay thế, hành khách đi tàu có thể dạo chơi trên boong tàu hay vào quầy bar giải trí chẳng khác gì trong các khách sạn 3 – 4 sao. “Đặc biệt, thời gian chạy tàu sẽ rút ngắn xuống còn khoảng một giờ cho lộ trình TP.HCM – Vũng Tàu và ngược lại”, ông Thảo cam kết.
Rõ ràng, trong thế cạnh tranh sống còn, mối nguy về tai nạn tàu cánh ngầm rình rập, không cần phải ban hành quy định này nọ, cũng sẽ tự khắc chấm dứt. Và đương nhiên, trong cuộc chơi này, hành khách là người hưởng lợi nhiều nhất.
Theo Đỗ Thông (SGTT.VN)