Tàu vỏ thép nằm bờ vì ‘vướng’ lưới

Sau gần bốn tháng chờ đợi, lưới mới được đưa về mấy ngày nay, tuy nhiên, việc lắp đặt lưới mất một tháng rưỡi nên phải đến sau tết Nguyên đán, tàu mới bắt đầu đi chuyến đầu tiên được, trong khi hiện nay đã vào mùa đánh bắt cao điểm. Tôi sốt ruột lắm nhưng chỉ biết ngồi chờ!”. Ông Nguyễn Việt Hằng (ngụ phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép Hải Cảng 1 số hiệu BĐ 99009, bức xúc nói như thế với phóng viên.

Đây là chiếc tàu vỏ thép đầu tiên ở Bình Định được hoàn thành, bàn giao cho ngư dân từ vốn vay theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Chiếc tàu này do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) đóng, với kinh phí 18 tỉ đồng, có công suất 880 CV, chuyên hoạt động lưới vây, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. “Khi lên kế hoạch đóng, tôi rất mong là sẽ đưa con tàu hiện đại này khai thác vào mùa vụ giáp tết này, thế nhưng không ngờ chỉ có cái lưới mà kẹt đủ thứ, làm mất thời gian, công sức và thiệt hại đủ thứ”. Ông Hằng nói thế và cho hay: “Trong khi tàu cứ neo thế nào, anh em bạn thuyền đều bỏ đi đánh bắt cho các tàu khác hết vì họ còn phải mưu sinh, không thể chờ quá lâu. Sắp tới, việc tìm bạn đi tàu sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, từ năm sau tôi phải trả cho ngân hàng mỗi quý 425 triệu đồng; trong khi tàu phải nằm bờ thế này, đã không có thu nhập còn bị tổn thất nhiều” - ông Hằng lo lắng.


Ngư dân Nguyễn Việt Hằng sốt ruột nhìn chiếc tàu 18 tỉ đồng của mình phải nằm bờ hơn bốn tháng nay. Ảnh: TẤN LỘC

Theo tìm hiểu, ngoài tàu của ông Hằng, hiện hai tàu cá vỏ thép khác của các ông Nguyễn Chì, Nguyễn Đậu (cùng ngụ phường Hải Cảng) cũng đang trong tình trạng tương tự. Đây cũng là những ngư dân đầu tiên ở Bình Định vay vốn đóng tàu cá vỏ thép với mức 18 tỉ đồng mỗi tàu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho hay nguyên nhân của tình trạng trên là do Bộ NN&PTNT quy định không cụ thể. Theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 67/CP, thiết kế mẫu tàu, mẫu lưới phải được phê duyệt cùng một thời điểm trước khi đóng mới. Thế nhưng Bộ NN&PTNT - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai thực hiện Nghị định 67 - lại không quy định cụ thể cơ quan, đơn vị nào có trách nhiệm phê duyệt thiết kế ngư cụ nói chung, mẫu lưới nói riêng cho từng ngành nghề khai thác thủy sản. Do đó, đến khi tàu vỏ thép đã bàn giao cho ngư dân nhưng lại chưa có mẫu lưới.

Và để giải quyết ách tắc này, ngành NN&PTNT phải mất mấy tháng trời. Trước tiên, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định báo cáo lên Bộ NN&PTNT tình hình trên. Sau đó, Sở giao Chi cục Khai thác - bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định đặt hàng Trường ĐH Nha Trang thiết kế mẫu lưới cho tàu cá vỏ thép hành nghề lưới vây. Sau khi có mẫu lưới, hội đồng thẩm định của Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng khác ở Bình Định mới tiến hành thẩm định. Tiếp đó, Sở NN&PTNT báo cáo, chờ ý kiến của Bộ NN&PTNT. Sau khi được Bộ đồng ý ủy quyền, Sở mới chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế mẫu lưới, trình UBND tỉnh xem xét. Sau khi UBND tỉnh duyệt lần nữa, ngân hàng mới đồng ý giải ngân. Lúc này mới chính thức đặt hàng sản xuất mẫu lưới mới cho ngư dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm