Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc sáng ngày 7-7 với các bộ ngành liên quan về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP để đáp ứng như cầu thực tiễn, sử dụng tàu cá công xuất lớn phục vụ hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ của bà con ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.
Tại buổi góp ý dự thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng dự thảo cần bổ sung thêm ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân, bổ sung thêm quy định hỗ trợ chi phí thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ và vỏ vật liệu mới (có công suất từ 400 CV trở lên). Nâng thời hạn cho vay từ 11 năm lên 16 năm đối với trường hợp đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới, trong đó có một năm ân hạn lãi xuất. Riêng đối với tàu vỏ gỗ vẫn giữ nguyên là 11 năm.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 67 sẽ bổ sung thêm ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân trong diện hỗ trợ. Ảnh: Đ. TRUNG
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: “Bộ Tài chính đã xác định mức hỗ trợ bằng tỷ lệ % và có số tiền đầu tư cụ thể đối với từng loại tàu. Bước đầu mức hỗ trợ dự kiến từ 20%- 56% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu. Trong thời gian chủ tàu được hưởng chính sách này phải đảm bảo hoạt động khai thác hiệu quả không được bán tàu. Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ NN&PTNT hoàn tất các nội dung liên quan”
Sau khi lắng nghe các ý kiến của Bộ, ban ngành Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Nghị định 67 đã được Chính phủ bổ sung nhiều cơ chế chính sách, ưu đãi tố nhất để hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Mặc dù việc đóng mới tàu vỏ sắt có nhiều tốn kém nhưng phải kiên định mục tiêu ban đầu mà Nghị định 67 đề ra. Đó là đóng tàu vỏ sắt công xuất lớn, thay đổi phương thức đánh bắt cũ, đem lại hiệu quả cao, thu nhập cao hơn cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo trên biển. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các Bộ, ngành sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 67 để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
“Sau gần 1 năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã có khoảng 20 tàu cá được đóng mới và tàu nâng cấp được hạ thủy như Thanh Hóa Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tầu. Đã có 25/28 tỉnh, TP phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 674 tàu đóng mới và 90 tàu nâng cấp, trong đó có 296 tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới 47 tàu, vỏ gỗ 331 tàu. Tàu từ 400CV đến dưới 800 CV có 260 tàu, từ 800CV đến dưới 1.000 CV là 361 chiếc và 1.000 CV trở lên là 53 chiếc”,trích báo cáo triển khai Nghị định 67 của Vụ khai thác (Tổng Cục thủy sản). |