Toàn khu vực có gần 10.000 ca mắc bệnh, trong đó đã có bốn trường hợp tử vong, gồm một trường hợp ở Đắk Lắk, một ở Gia Lai và hai ở Kon Tum.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đang quá tải bệnh nhân SXH.
Tỉnh Gia Lai đang dẫn đầu về số bệnh nhân SXH với 4.000 ca bệnh, chiếm 14% số ca bệnh trong cả nước. Tính trung bình mỗi ngày tỉnh có hơn 100 ca mắc bệnh. Tỉnh đã có một ca tử vong vì SXH.
UBND tỉnh Gia Lai đã họp khẩn với tất cả sở ngành, các địa phương nhằm tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. UBND tỉnh cũng công bố đã xuất 1,3 tỉ đồng ngân sách để phục vụ công tác phòng, chống bệnh SXH.
Tỉnh Đắk Lắk đứng thứ hai với gần 3.000 bệnh nhân và cũng đã có một ca tử vong do sốc SXH.
Nhiều tháng nay, các khoa Truyền nhiễm, Nhi tổng hợp của BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân phải nằm la liệt từ trong phòng bệnh đến hành lang, chân cầu thang để chữa bệnh.
BS Nguyễn Hai, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết: Khoa có 35 giường bệnh nhưng hiện nay đã tiếp nhận điều trị lên đến 195 bệnh nhân, chủ yếu là mắc bệnh SXH. Bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 bệnh nhân SXH vào điều trị, thậm chí có ngày lên đến 60 bệnh nhân.
Bệnh nhân tăng đột biến buộc khoa phải huy động thêm bảy phòng trước đây dùng chứa các dụng cụ y tế, nhà kho để làm phòng cho bệnh nhân nằm nhưng vẫn không đủ chỗ. Nhiều bệnh nhân phải tự mang ghế xếp vào bệnh viện kê trong phòng, hành lang nằm chữa trị.
“Bệnh viện đã tăng cường cho khoa bốn bác sĩ và chín điều dưỡng để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng khoa vẫn trong tình trạng quá tải trầm trọng cả về cơ sở vật chất cũng như nhân lực phục vụ” - BS Hải cho biết.
Bệnh nhân tự mang ghế xếp vào bệnh viện nằm điều trị SXH.
Theo BS Y Bliu Arul - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh viện đã làm báo cáo gửi Sở Y tế xin hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay trong công tác chống dịch SXH. Ngoài ra, bệnh viện cũng yêu cầu tuyến dưới tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch SXH, chỉ được phép chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh khi tình trạng bệnh quá nặng.
Tại tỉnh Kon Tum cũng có gần 1.500 ca nhiễm SXH. Bình quân mỗi ngày có 40 ca nhập viện cấp cứu vì SXH. Tỉnh ghi nhận đã có hai bệnh nhân tử vong vì SXH và hiện các ổ dịch vẫn đang hoành hành tại nhiều huyện của tỉnh.