Tây Ninh: Nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

(PLO)- Tỉnh Tây Ninh mong muốn đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-10, Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo về chuyển đổi số cho 120 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VÕ TÙNG

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VÕ TÙNG

Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, hội thảo nhằm định hướng, cung cấp các yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp cũng như cách thức xây dựng, thực hiện lộ trình chuyển đổi số, lựa chọn công nghệ phù hợp, ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động tại doanh nghiệp. Cùng đó là triển khai có hiệu quả các giải pháp công nghệ thích ứng với nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, thay thế mô hình truyền thống trước đây của doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã được các chuyên gia chia sẻ chủ đề tư duy đúng về chuyển đổi số, định hướng và lộ trình chuyển đổi số thành công, kiến tạo môi trường làm việc số và xây dựng bộ máy vận hành tối ưu bằng công nghệ.

Các bên cũng thảo luận, trao đổi về hiện trạng chiến lược của mỗi doanh nghiệp và bước đầu triển khai chuyển đổi số; xác định các nội dung ưu tiên chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp.

Năm 2023 được xác định là năm thúc đẩy chuyển đổi số địa bàn Tây Ninh. Ảnh: VÕ TÙNG
Năm 2023 được xác định là năm thúc đẩy chuyển đổi số địa bàn Tây Ninh. Ảnh: VÕ TÙNG

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh, cho biết trên cơ sở Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030, UBND tỉnh cũng đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm thúc đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; kế hoạch phát triển doanh nghiệp số; kế hoạch thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; kế hoạch triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt…

Những việc này bước đầu đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ và đã triển khai hiệu quả một số nền tảng dùng chung cho cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Cũng theo ông Hiếu, lĩnh vực kinh tế số của tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế như dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng chưa có; cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa mạnh mẽ.

Nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; công tác tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp chưa hiệu quả; công tác đào tạo, tập huấn xây dựng công dân số, doanh nghiệp số triển khai còn chậm...

Chính vì vậy, mục tiêu của Tây Ninh là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng lợi ích từ các dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

"Những việc này giúp tạo tiền đề để năm 2023 sẽ là năm mà UBND tỉnh Tây Ninh xác định là năm thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh" - ông Hiếu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm