100% ủy viên Trung ương đảng hôm qua đã đồng ý giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào 22-10 này.
Bầu bổ sung hai ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Cũng trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 8, Trung ương đã bầu bổ sung thêm hai ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gồm ông Võ Thái Nguyên, hiện là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính.
Như vậy, cùng với việc Hội nghị Trung ương 7 hồi tháng 5 bầu bổ sung ông Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, từ sau Đại hội XII đến nay, cơ quan kiểm tra của Trung ương Đảng đã được bổ sung thêm ba ủy viên. Việc bổ sung này được giải thích là để đảm đương khối lượng công việc ngày càng nhiều, trong lúc thời gian tới, một số thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tới tuổi nghỉ hưu theo chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần tiếp xúc cử tri Hà Nội tháng 6 vừa qua. Ảnh: TTXVN
KT-XH: Ước đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra
Ngoài các nội dung nhân sự, hôm qua Trung ương đã thảo luận các nội dung trong báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách 2018 và kế hoạch 2019. Tiếp tục như Hội nghị Trung ương trước, một số cơ quan báo chí đã được theo dõi, đưa tin.
Theo tường thuật của VOV, các ý kiến thảo luận đều đánh giá tích cực về một số chỉ số kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm đạt 6,98%, cả năm dự kiến đạt 6,7%, góp phần đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong các kết quả này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang chú ý tới chỉ số bội chi ngân sách cả năm ước ở mức 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra 3,7%, cho thấy điều hành thu chi ngân sách là khá chặt chẽ và bội chi ngân sách giảm dần hằng năm.
Đóng góp cho báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho rằng thời gian qua thủ tục hành chính với dân được cải thiện nhiều nhưng với doanh nghiệp thì còn nhiều trắc trở, đặc biệt là thủ tục liên quan đến dự án mà doanh nghiệp đề xuất. Ông cho rằng cần quan tâm tới mô hình quỹ đầu tư để hỗ trợ người làm kinh doanh, bởi nếu chỉ dựa vào ngân hàng thương mại thì chi phí vốn cao, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bí thư Vinh cũng cho rằng cần tập trung nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc pháp luật đầu tư công để giải quyết khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông. Nguồn lực không chỉ từ ngân sách mà phải khai thông nguồn vốn xã hội bằng cách hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT, BT. “Khó khăn như này mà tiếp tục vướng mắc cơ chế BOT, BT thì khó cho đầu tư hạ tầng” - ông Vinh trăn trở.
Về góc nhìn của mình, Chủ tịch Hội Nông dân Thào Xuân Sùng cho rằng cần dồn sức xây dựng 15.000 hợp tác xã kiểu mới, đồng thời đào tạo nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn. Khuyến khích các hộ nông dân cho thuê đất nông nghiệp hoặc góp giá trị quyền sử dụng đất mà không cần thay đổi quyền sở hữu ruộng đất để tập trung ruộng đất, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất lớn đạt lợi thế về quy mô, giảm chi phí trong chuỗi giá trị. Ông Sùng cũng đề nghị rà soát quy hoạch đất trồng lúa để các tỉnh, thành phố có thể chuyển đổi một phần sang nuôi, trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao.
Ý kiến của các ủy viên Trung ương sẽ được Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu để hoàn thiện báo cáo chính thức của Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tới.