Tê giác, voi quỳ 'kêu cứu' trước tượng Phật ở Sài Gòn

Những bức tượng này nằm trong chiến dịch kêu gọi bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp bao gồm tê giác, tê tê và voi do CHANGE và WildAid phối hợp thực hiện mang tên “Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ”.

Chiến dịch lấy hình ảnh chủ đạo là tượng của 3 loài động vật hoang dã bao gồm tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, voi bị cưa ngà và đang bị chảy máu giống như thực trạng các loài này bị săn bắn trong tự nhiên.

Các tượng động vật hoang dã nguy cấp này đang quỳ gối trước tượng Phật với ánh mắt hết sức thảm thiết để thỉnh cầu sự che chở do vấn nạn săn bắn các loài này đã lên đến mức báo động trong những năm gần đây. Từ đó kêu gọi công chúng giảm nhu cầu mua bán, tiêu thụ các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã nguy cấp này.

“Có một bộ phận không nhỏ những người tiêu thụ, mua bán hoặc săn bắn các sản phẩm từ động vật hoang dã theo tín ngưỡng Phật giáo hoặc thường xuyên đến lễ chùa nên thông qua việc đặt các tượng này trong tư thế quỳ gối trước Phật, với ý nghĩa các loài này đang mong được Đức Phật bảo hộ, che chở, chúng tôi hy vọng các đối tượng kể trên sẽ có một phần kiêng dè trước khi thực hiện các hành động tổn hại đến các loài động vật trực tiếp hay gián tiếp.” – ông Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc Truyền thông CHANGE chia sẻ.

Sau khi xuất hiện tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 28-1, các tượng động vật hoang dã kể trên sẽ được di chuyển đến đặt tại Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.HCM) từ ngày 30-1 đến 11-2, Tu viện Khánh An (TP.HCM) từ 12-2 đến 18-2 và 28-2 đến 3-3, chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc) từ 22-2 đến 24-2 và cuối cùng quay lại Chùa Vĩnh Nghiêm từ ngày 4-3 cho đến ngày kết thúc chiến dịch là 10-3.


Tê giác, voi quỳ 'kêu cứu' trước tượng Phật ở Sài Gòn ảnh 6

Trong những năm vừa qua, các chiến dịch của CHANGE và WildAid đã góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sừng tê giác tại Việt Nam. Cụ thể, giá sừng tê giác đã giảm từ 65.000 USD/ kg xuống còn 22.000 USD/kg trong ba năm gần đây. Việc mua bán sừng tê giác của Việt Nam đã bị cấm và nhận thức về sừng tê giác đã tăng đáng kể kể từ năm 2014.

Theo cuộc khảo sát năm 2016 do WildAid, Quỹ Hoang dã Phi Châu và CHANGE thực hiện tại Việt Nam cho thấy: chỉ có 23% số người được hỏi tin rằng sừng tê giác có tác dụng y tế (so với 69% trong năm 2014), giảm 67%. Chỉ có 9,4% số người được hỏi tin rằng sừng tê giác có thể chữa bệnh ung thư (giảm từ 34,5% trong năm 2014), giảm 73%.

Trong số những người nhận ra rằng tê giác sẽ bị tổn hại nghiêm trọng khi sừng của nó bị cắt đứt (95% số người được hỏi), 54% hiện nay biết tê giác bị giết vì sừng của chúng, tăng 74% (từ 31% vào năm 2014).

Kiến thức về sừng tê giác bao gồm các chất được tìm thấy trong tóc và móng tay đến từ thông điệp chiến dịch Cắn móng tay của WildAid - tăng mạnh từ 19% trong năm 2014 lên 68% trong năm 2016 - tăng 258%.

Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức phi chính phủ Việt Nam bảo trợ chính thức cho hoạt động của phong trào 350.org Việt Nam và các dự án môi trường khác với sứ mệnh xây dựng và huy động các nguồn lực nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phát triển năng lực của cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

WildAid là tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh chấm dứt buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Khác với các nhóm bảo tồn động vật hoang dã tập trung vào việc bảo vệ động vật khỏi săn trộm, WildAid chủ yếu thực hiện các dự án nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã như vây cá mập, sừng tê giác và ngà voi.

Mọi hoạt động của tổ chức WildAid tại Việt Nam được sự hỗ trợ bởi tổ chức WildAid thế giới và dưới sự quản lý của CHANGE.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm