Té ngửa với quy định lạ về cửa hàng tiện lợi

(PLO)- Nhiều quy định tại dự thảo thông tư về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại có thể gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tùy tiện để xử phạt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư “Quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại” gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi (CHTL)... Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là tiêu chí đối với CHTL.

Cụ thể, dự thảo thông tư quy định CHTL phải có diện tích kinh doanh từ 30 m2 đến dưới 200 m2; được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân; đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m…

VCCI cho rằng quy định cửa hàng tiện lợi phục vụ chủ yếu cho khách hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m là không khả thi, cần bỏ. Ảnh: TÚ UYÊN

VCCI cho rằng quy định cửa hàng tiện lợi phục vụ chủ yếu cho khách hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m là không khả thi, cần bỏ. Ảnh: TÚ UYÊN

Quy định mập mờ dễ phát sinh tiêu cực

Nhận xét về tiêu chí “CHTL phục vụ chủ yếu cho khách hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m”, ông NH, Giám đốc một chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi trên địa bàn Hà Nội, nhấn mạnh: Quy định này rất vô lý, trái với quy luật thị trường, khó khả thi trong thực tế, gây trở ngại cho người kinh doanh.

Đi vào chi tiết, ông đặt vấn đề: Nếu CHTL bán hàng cho khách hàng đến từ nơi xa hơn 500 m thì liệu có bị xử phạt? Khách hàng muốn mua hàng nhưng không cư ngụ trong bán kính dưới 500 m thì có bị từ chối? Người bán làm sao có thể biết được khách hàng trong bán kính dưới 500 m?... “Quy định này cần được làm rõ, chứ có nhiều cách hiểu thế này thì rất khó thực hiện” - ông H nêu quan điểm.

Quy định CHTL được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân... cũng không hợp lý. “Phải chăng nếu cửa hàng nào chủ yếu bán hàng theo phương thức nhân viên lấy đồ cho khách hàng, thanh toán riêng từng sản phẩm sẽ bị xử phạt? Quy định này có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN). Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tùy tiện để xử phạt hoặc đe dọa xử phạt nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức” - vị chủ CHTL trên lo ngại.

Đồng quan điểm, đại diện một đơn vị bán lẻ lớn tại TP.HCM phân tích: Dự thảo quy định “CHTL kinh doanh 3.000 tên mặt hàng” là không thực tế. Bởi tùy vào khu vực nơi CHTL tọa lạc sẽ có một số nhóm hàng được người tiêu dùng ưa chuộng, bán với doanh số tốt. Do đó, tùy vào nhu cầu của người tiêu dùng mà CHTL sẽ quyết định nhập mặt hàng nào vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vừa mang lại doanh số tốt.

“Vì vậy số lượng hàng hóa bán tại CHTL nên để nhà bán lẻ tự cân đối, quyết định để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng chứ Nhà nước không nên làm thay và cũng không thể làm thay” - vị đại diện nêu rõ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có công văn gửi Bộ Công Thương để góp ý cho dự thảo. VCCI cho rằng dự thảo quy định CHTL có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500 m” là không khả thi đối với DN. Bởi yếu tố này nằm ngoài khả năng tự quyết định của DN, chủ CHTL không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu. “Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này” - VCCI nhấn mạnh.

Nhiều quy định tại dự thảo bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN.

Nhà nước không thể làm thay

Ngoài quy định CHTL có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500 m”, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo còn nhiều quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Đơn cử như dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại… đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng.

Bình luận về nội dung này, VCCI cho rằng việc các CHTL có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu. Ngược lại, CHTL nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách hàng. Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

“Nếu Nhà nước lo ngại việc các CHTL không có chỗ đỗ xe khiến xe để ra lòng đường gây cản trở giao thông thì chỉ cần xử phạt nghiêm túc hành vi đỗ xe không đúng nơi quy định là đủ” - VCCI nêu rõ.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá nhiều tiêu chí trong dự thảo còn quá cứng nhắc, giúp dễ quản lý nhưng không phù hợp với thực tế.

“Trước đây có ý kiến đề xuất người bán thịt heo ở chợ phải có tủ lạnh nhưng người ta bán nửa con heo trong 2 giờ đồng hồ hết vèo thì cần gì tủ lạnh. Chúng ta cần tránh những quy định xa rời thực tế, khó thực hiện, không thiết thực với đời sống” - ông Phú nhấn mạnh.•

Bộ Công Thương nói gì?

Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết đến nay đã nhận được 69 ý kiến góp ý đối với dự thảo thông tư “Quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại”.

Cơ quan này cho rằng quy định “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m” trong tiêu chí CHTL không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ, khách hàng của loại hình CHTL.

“Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại” - đại diện Bộ Công Thương giải thích.

Đại diện bộ này cũng đánh giá rằng các quy định trong dự thảo thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác; nội dung quy định tại thông tư cũng không làm phát sinh thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. AN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm