Tên đường còn nhiều rối rắm

Ngày 3-12, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển đã tổ chức tọa đàm khoa học Giải pháp bền vững cho phương cách đặt tên đường ở TP.HCM. Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp xây dựng quỹ tên đường bền vững cho TP.HCM.

Tên đường vừa thiếu, vừa sai

Theo ThS Nguyễn Văn Quế, ngân hàng tên đường của TP.HCM hiện nay chỉ còn 200 tên đường. Một con số quá nhỏ so với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, khi mà TP.HCM có thêm hàng trăm khu dân cư, hàng ngàn con đường mới cần đặt tên. Bên cạnh các con đường chưa có tên là những con đường sai tên, trùng tên hoặc được người dân tự đặt tên.

TS Phan Văn Hoàng cho biết có những con đường đặt sai tên người như Kha Vạng Cân thành Kha Vạn Cân, Trương Quốc Dụng thành Trương Quốc Dung… Cùng một người nhưng tên không thống nhất: Ngô Thời Nhiệm - Ngô Thì Nhậm...

Tên đường còn nhiều rối rắm ảnh 1

Đường Kha Vạn Cân (tên đúng Kha Vạng Cân) là một trong những con đường đặt sai tên danh nhân khiến việc tưởng nhớ các bậc danh nhân không còn ý nghĩa. Ảnh: HTD

Đại diện huyện Củ Chi cũng nêu nhiều sai sót của huyện này trong việc đặt tên đường theo tên bà mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng liệt sĩ. Cụ thể, tên đường là mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lắm nhưng trong hồ sơ chỉ có mẹ Nguyễn Thị Lắng (quê ấp Giữa, Tân Phú Trung). Hay hồ sơ liệt sĩ của xã Tân Phú Trung ghi tên liệt sĩ Liễu Văn Hương nhưng tên đường là Liễu Binh Hương.

TS Phan Văn Hoàng cũng nêu một số tên đường không phù hợp. Như: Phan Liêm, Phan Tôn, Cao Đạt đều là những người thân Pháp, hay những nhân vật còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa rõ về mặt lịch sử như Lê Văn Duyệt, Nhất Linh, vua Khải Định... Cũng theo TS Phan Văn Hoàng, TP nên bỏ những tên đường xấu, thiếu tính thẩm mỹ như đường Cống Lở, Kênh Nước Đen…

Thiếu quy định, tiêu chí đặt tên đường

Mặc dù đã có các quy định hướng dẫn tiêu chí đặt tên, đổi tên đường phố nhưng quá trình thực hiện vẫn còn lúng túng. ThS Lê Văn Năm, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, nêu câu hỏi: Trường hợp tên đường bị trùng tại nhiều quận thì phải đổi tên ở quận nào? Hay tiêu chí nào để lấy tên đặc sản của địa phương, địa danh của địa phương để đặt tên đường?

TS Nguyễn Thị Hậu cũng băn khoăn về tính công bằng trong việc đưa tên bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ vào ngân hàng tên đường. Vì theo TS Hậu, nếu dựa vào tiêu chí mẹ Việt Nam anh hùng có ba con hy sinh và là đảng viên mới được đặt tên đường thì quá lạnh lùng. “Dù mất ba người con hay một người con, dù là đảng viên hay quần chúng thì nỗi đau, nỗi mất mát cũng như nhau. Nếu dựa vào tiêu chí khô cứng trên sẽ không công bằng và làm tổn thương người còn sống” - TS Hậu e ngại.

Ông Phạm Thành Nam, Trưởng phòng Di sản Văn hóa - Sở VH-TT&DL, cũng phản ánh pháp luật còn thiếu quy định chi tiết về tiêu chí danh nhân, nhân vật lịch sử, thiếu quy định về việc công khai cho nhân dân góp ý tên đường.

Trưng cầu ý kiến người dân

Các chuyên gia cũng đề nghị cần có cải tiến trong quy trình đặt, đổi tên đường. Quan trọng nhất là phải công khai việc đặt tên đường để nhân dân tham gia góp ý; đẩy tiến độ đặt tên đường nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, chính xác; xây dựng phần mềm quản lý tên đường.

Các chuyên gia cũng đã thống nhất nhiều giải pháp mở rộng tên đường. Theo đó, TP và các quận/huyện cần có bộ phận chuyên trách biên soạn tên đường. Khi chọn tên danh nhân lịch sử Việt Nam, cần phân biệt rõ danh nhân cổ đại, trung đại, hiện đại, trong đó chú ý hơn nữa đến danh nhân thời trung đại vì chưa có nhiều tên đường về các danh nhân này. Tên đường cần có thêm tên văn nghệ sĩ nổi tiếng, tên phá cách như tên động vật, thực vật hay các công cụ trong chiến tranh giải phóng dân tộc…

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm