1. 27 Tết, mẹ đi chợ về ôm theo con cún nhỏ. Mẹ bảo “Con Phèn nhà cậu Tám mới sinh được sáu con, thấy cưng quá mẹ bắt một con về nuôi. Cho nó theo Tửng em đi bắt chuột” (Tửng em là tên gọi ở nhà của tôi hồi nhỏ).
Tôi hí hửng, sung sướng nhìn chú cún mũm mĩm, mềm mại như cục bông trên tay mẹ. Xoa xoa cái đầu nó. Mẹ hỏi tôi: “Con tính đặt tên nó là gì?”.
Tay vẫn còn cầm vốc cà na vừa hái dưới bến sông lên, tôi buột miệng: “Đặt nó là Cà Na đi mẹ!”.
Mẹ bảo: “Cà Na nghe không mạnh lắm, thôi cứ kêu nó là Na đi, nghe được hơn đó”. Tôi gật đầu luôn. Thế là con Na gắn bó với tôi từ ngày đó.
Con Na “nhập gia” là “tùy tục” ngay. Mẹ ẵm nó… ra mắt vòng vòng khắp cả nhà. “Chào chị Mướp nha!”, mẹ nói thay con Na, tay ấn cái đầu nhỏ của nó trước con mèo nhà tôi nuôi từ khi còn đỏ hỏn. Thấy “sinh vật” lạ, con Mướp phốc ngay lên xà ngang, ngồi ngó xuống lom lom cảnh giác.
Ẵm con Na đến trước bàn thờ thần tài thổ địa, mẹ tôi cũng ấn đầu nó vái vái: “Con chào ông thần tài, ông thổ địa, con là Na mới về nhà ạ!”.
2. Con Na có bộ lông vàng mượt, giữa trán có một vệt lông đen và ít khoang trắng dưới ức. Nó ngoan và thông minh một cách ngạc nhiên. Nó học rất nhanh các “phép tắc” trong nhà tôi dạy. Ăn uống và đi tiêu đúng chỗ quy định. Nó không bao giờ ăn vụng như con Mướp và chỉ ăn khi được cho phép.
Mỗi khi mẹ tôi đi chợ về, nó đứng ngoáy tít cái đuôi ở trên bờ nhìn xuống bến nước sủa oăng oẳng. Xuồng cập bến, mẹ tôi gác mái chèo quăng sợi dây lên bờ là con Na “bay” xuống ngoạm lấy sợi dây, kéo tới cái cọc buộc xuồng gần đó, chạy vòng vòng quấn dây vào cọc. Nó xoắn xuýt đợi được mẹ tôi xoa đầu xong mới chạy đi.
Được tôi chăm kỹ chẳng mấy nó trở thành một “thanh niên chó” oai phong, mướt mát nhất xóm. Những thằng bạn tôi đứa nào cũng thèm muốn.
Nhưng có lẽ điều tôi thích nhất và lũ trẻ ở cái xóm Ngọn Nhỏ này thèm muốn con Na nhất không phải ở cái mã bảnh bao bên ngoài mà chính là nó rất có “nghề”. Na săn chuột và rắn cực giỏi.
Từ khi con Na đến nhà, nó với con Mướp đã “hiệp đồng” quét sạch không còn một con chuột nào trong nhà. Nó có tài đánh hơi các hang chuột và ngồi rình. Nó rình kiên nhẫn hơn con Mướp nhiều. Khi con Na chốt được “mục tiêu” thì con chuột chỉ có nước chạy lên giời. “Lên giời” mà chạy lên cột nhà, xà ngang hay mái lá thì coi như đã vào trúng lãnh địa của con Mướp. Con Mướp cũng không phải dạng vừa, nó săn chuột cũng vào hàng lão luyện. Cứ vậy, hai con “xa luân chiến” một thời gian nhà tôi sạch chuột. Mẹ tôi ưng lắm, đến mùa lúa không lo bị chuột quậy kho rúc rích cả đêm nữa.
3. Con Na ngoài những buổi đi săn ngoài đồng với tôi còn hay tự “tác chiến” một mình. Tôi còn nhớ mùa nước nổi năm đó, nước ngập trắng đồng. Con sông Ngọn Nhỏ trước nhà ngày thường hiền hòa là thế mà năm đó nước cuồn cuộn chảy. Nước lên mỗi ngày hàng tấc, chẳng mấy đã lên ngập hết sân nhà.
Con Na mất tích cả ngày hôm đó. Tôi bận chèo xuồng đi giăng lưới cũng không chú ý. Trưa về, bụng đói meo, tôi chui vô bếp lục tìm đồ ăn thì thấy con Na đang ngồi thu lu dưới đất. Thấy tôi nó bật đứng dậy, đuôi ngoáy tít, hết quay nhìn tôi rồi lại nhìn lên kệ bếp trấu bên cạnh.
Tôi vội nhìn theo nó, bật kêu to mừng rỡ. Trên kệ bếp là một con rắn ráo to bự xự dài gần mét. Cái đầu nó bầm giập toàn dấu răng con Na. Cạnh nó là hai con chuột đồng mập ú. Tôi trúng mánh rồi.
Phải nói thêm là bắt được chuột đồng mà không bị bầm giập như con Na không phải con chó nào cũng làm được. Lũ chó của tụi bạn tôi bắt được chuột đều cắn tả tơi. Vì vậy tụi nó ít khi bán được hàng xâu chuột như tôi. Con Na nó có biệt tài này. Gí kịp con chuột đồng, hai chân trước nó chộp lấy như… mèo. Khi túm được mình hay cái đuôi con chuột, nó chỉ ngoạm đúng ngay gáy rồi tha lại cho tôi. Nó không bao giờ cắn xé tơi bời con mồi như những con chó khác nên nhiều con chuột đồng vẫn còn sống nhăn khi bị con Na của tôi bắt được.
Mùa nước nổi nào tôi cũng kiếm được kha khá tiền để dành xài Tết, có khi còn dư dả làm thức ăn ngon cho mấy anh em tôi. Tụi bạn tôi ghen tị quá trời quá đất.
Tôi lao vào ôm lấy con Na, xoa xoa cái đầu có vết đen thông minh của nó nựng nịu “Ui mày giỏi quá, Na ơi! Mày giỏi thiệt đấy!”. Nó ư ử trong mõm, trông bộ dạng rõ là vui sướng. Bữa đó tôi nướng con rắn lên, bỏ lên cái lá chuối ngắt cạnh nhà, đâm chén muối ớt hiểm rồi bốn anh em tôi ăn luôn tại chỗ. Thiệt là thơm ngon khó tả. Con Na cũng được thưởng cái đầu con rắn. Hai con chuột tôi để lại cho mẹ làm bữa tối.
4. Mùa nước nổi năm đó lớn lắm. Qua một đêm thôi nước đã bò vào nhà. Chỉ mấy ngày đã lên cao hơn 1 mét. Cha và anh Hai tôi kê kích đồ đạc lên cao liên tục mà không kịp nước lên.
Con Na đi lại trên những cây cầu bắc tạm trong nhà cũng rất chuyên nghiệp. Thỉnh thoảng tôi giả bộ đẩy nó rơi tõm xuống nước, trông nó bơi điệu nghệ mà cười thích thú. Có khi tôi cũng nhảy ùm xuống tắm chung với nó, cùng nó gí bắt cá tưng bừng vang vọng cả… nhà. Giờ thì nhà tôi và con sông trước nhà đã hòa làm một rồi, mênh mông là nước, không còn giới hạn nào cả.
Tết năm đó là cái Tết tôi nhớ nhất vì... không có con Na.
Tôi còn nhớ hôm đó là một ngày đầu tháng 10 âm lịch. Cả nhà tôi lên cậu Tư ăn giỗ. Sáng sớm sau khi đi gom lưới về, tôi với con Na tắm táp ầm ĩ trước nhà xong thì mẹ hối đi sớm đặng còn lên phụ công chuyện nhà cậu Tư. Vì chỉ có một con xuồng nhỏ nên mọi người cùng đi một lượt luôn.
Như mọi lần, con Na sẽ ở lại trông nhà. Tôi vò đầu nó dặn dò “Mày trông nhà nhe, lát về tao lấy đồ ăn ngon cho mày”. Con Na ngoáy tít đuôi khi tôi xoa đầu nó. Anh hai tôi chống xuồng chạy đi, nó chạy theo chồm lên chồm xuống sủa oẳng oẳng.
Xế chiều, cả nhà quay về. Không thấy con Na ra quấn quýt như thường lệ, tôi thấy chột dạ. Tôi hú gọi nó nhưng không thấy đáp trả. Cả nhà cuống quýt đi tìm khắp nơi. Một lát thì thấy cha tôi chèo xuồng về, trong lòng xuồng là… con Na. Nó nằm im bất động.
Tôi nhảy bổ đến ẵm nó gào khóc. Cha bảo thấy nó bị mắc lưới trên kia. Chắc nó bơi theo xuồng rồi bị vướng lưới không thoát ra được… Năm đó nhà tôi không có Tết. Tôi nhớ con Na khóc lên khóc xuống, ngơ ngẩn cả người.
* * *
Đã qua mấy cái Tết, tôi ra huyện rồi lên thành phố học, dần cũng nguôi ngoai chuyện con Na. Hè năm đó về thăm nhà tôi thấy có một con chó nhỏ trong nhà. Từ sau con Na, nhà tôi đã không nhận nuôi con chó nào khác nữa. Mẹ tôi bảo con này là con bốn đời cùng mẹ với con Na ngày ấy, thấy nó cũng giống giống nên xin về nuôi.
Con Milu (tên con bé Tư đặt nghe buồn cười gì đâu) mập ú u, suốt ngày nằm khoanh hưởng thụ trên sân. Có lẽ suốt ngày quanh quẩn trong nhà tường xây nên trông nó không được nhanh nhẹn như con Na ngày ấy ...
Nhiều năm trôi qua, bao lần con gái nhỏ của tôi đòi nuôi một con chó nhỏ, tôi cứ lần lữa không cho. Có lẽ Tết này tôi sẽ tặng con gái “món quà” nhỏ như mong mỏi của con. Tôi cũng muốn con có một ký ức tuổi thơ ngọt ngào như tôi ngày ấy, có một người bạn nhỏ trung thành và quấn quýt như con Na.