Xóm Ruộng ở tổ 31A, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM, thường gọi là xóm ve chai, tập hợp khoảng 32 hộ dân sống trọ.
Xóm Ruộng còn được gọi là xóm ve chai, xóm ổ chuột... Ảnh: NGỌC LÀI
Cư dân Xóm Ruộng quanh năm đi nhặt ve chai, hộ nào cũng khó khăn, chật vật. Ngày tết, cả xóm không có nổi một chậu hoa tết, không ai nấu bánh chưng, bánh tét. Vậy nhưng, người nào cũng vui, rôm rả kể chuyện ngày tết nhặt được nhiều ve chai hơn bình thường.
Bên ngoài không khí năm mới rộn ràng, cả xóm Ruộng lại đìu hiu, nhà ai nấy ở. Mỗi ngày, khoảng 18 giờ, cư dân của xóm lại lục đục đẩy xe đi nhặt ve chai đến tận 1-2 giờ sáng. Bởi vậy, ban ngày, họ thường ngủ vùi cho lại sức, khoảng 15 giờ, một vài người tập trung ở quán nước nhỏ đầu xóm, rôm rả trò chuyện.
Bà Phượng sống hơn 6 năm tại xóm, quen thuộc từng ngõ ngách, hoàn cảnh của từng gia đình trong xóm. Ảnh: NGỌC LÀI
Bà Nguyễn Thị Phượng sống ở xóm Ruộng hơn 6 năm. Bà quen thuộc từng ngõ ngách, hoàn cảnh của từng gia đình sống trọ trong xóm.
Người phụ nữ này nói đa phần cư dân xóm sống bằng nghề nhặt ve chai. Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất cũng chỉ loanh quanh “người nào nhặt ve chai nhiều hơn”.
“Đi lượm về là nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn thôi. Tết không trưng bông trưng hoa, cũng chẳng bánh tét, bánh chưng. Tiền để trưng hoa, mọi người để dành mua thêm miếng cá, miếng thịt ăn trong ngày tết” – bà Phượng chia sẻ.
Ngày tết, xóm Ruộng chỉ có ve chai chứ không có hoa, bánh... Ảnh: NGỌC LÀI
Bà Phượng kể mùng một, các dãy phòng trọ im lìm, không xôn xao tết nhất. Đến chiều tối lại đi nhặt ve chai. Trên đường mưu sinh, họ được nhiều người thương mà cho bánh chưng, bánh tét, trái cây…
Bánh trái đem về, mọi người chia nhau ăn rồi kể nhau nghe đi nhặt ve chai ở đâu được nhiều.
Chị Mai Thị Hoàng Minh nói phòng trọ lụp xụp nhưng tết tới, phòng nào cũng dọn dẹp cho gọn gàng. Một phần để sạch sẽ vui tết, phần khác để nhà trống chỗ chứa ve chai, qua tết đem bán.
Chị Minh nói ngày tết nhặt được nhiều ve chai hơn bình thường, người của xóm vì vậy mà vui hơn. Ảnh: NGỌC LÀI
“Tết đi nhặt ve chai được nhiều hơn. Người ta nhậu bia, uống nước ngọt nên mình nhặt được nhiều. Đi xuyên Tết luôn, giao thừa, mùng 1 gì cũng đi” – chị Minh tâm sự.
Phòng trọ ọp ẹp, sợ hỏa hoạn nên bà con ý thức không thắp nhang, nấu nướng. Duy chỉ có bà Phượng, năm nào cũng mượn mái hiên quán nước đầu dãy trọ để đặt bàn cúng giao thừa. Mâm cúng cũng sơ sài, giản đơn nhất có thể.
Cư dân xóm Ruộng đẩy xe đi nhặt ve chai xuyên tết. Ảnh: NGỌC LÀI
Bà Phạm Thị Thúy (Tổ trưởng tổ dân phố 31A, phường 26), cho biết xóm Ruộng có khoảng 32 hộ dân, đa số đều là người già và tàn tật. Trước hoàn cảnh khó khăn của xóm, UBND phường 26 rất quan tâm và hỗ trợ tận tình. Chính quyền địa phương thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm, còn mạnh thường quân khắp nơi thường hỗ trợ tiền mặt, bánh trái…
“Ngày tết, cư dân của xóm đi nhặt ve chai thường được cho bánh trái, ở nhà thì các đoàn thể đến thăm. Xóm Ruộng không có tiền bạc dư dả, chứ chưa đói bao giờ. Nghèo nhưng họ rất đoàn kết, yêu thương lẫn nhau” – Tổ trưởng tổ dân phố 31A chia sẻ.