Tết thầm lặng của nhân viên đường sắt Bắc Nam

(PLO)- Dù không được ở cùng gia đình nhưng các nhân viên đường sắt Bắc Nam đều cố gắng đón giao thừa đủ đầy nhất. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối năm, khi nhà nhà tất bật chuẩn bị đồ Tết, những người đi xa lập nghiệp háo hức về bên gia đình thì hàng trăm nhân viên ngành đường sắt vẫn thầm lặng làm việc. Nhiều người coi chuyến tàu xuyên giao thừa là ngôi nhà thứ hai của mình hàng chục năm qua.

Hơn 20 năm đón giao thừa trên tàu

Tôi có một chuyến đi vào ngày cuối năm Quý Mão trên chuyến tàu SE5 (Hà Nội đi TP.HCM) và trò chuyện cùng một số nhân viên trên chuyến tàu này.

Cành hoa đào được chuẩn bị cho Giao thừa năm 2024 trên chuyến tàu SE 5.
Cành hoa đào được chuẩn bị cho giao thừa năm 2024 trên chuyến tàu SE 5. Ảnh: THY NHUNG

Đang vác trên vai cành đào, anh Lê Ngọc Huấn, Trưởng tàu khách thuộc Trạm tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết, anh đã đón giao thừa hơn 20 năm trên những chuyến tàu Bắc Nam. Anh gắn kết với những chuyến tàu này từ ngày chưa lấy vợ, đến nay đứa con lớn của anh đã học đại học.

“Hiện tàu có khoảng 20 nhân viên gồm bộ phận an ninh, tiếp viên, nấu nướng, khối thợ điện, kỹ thuật và phụ trách vấn đề y tế. Có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khó mà diễn tả được bằng lời sau hơn 20 năm đi tàu của mình”- anh Huấn bồi hồi kể lại.

Anh Huấn cho biết có những lúc sản phụ sinh dù không ai có kinh nghiệm nhưng cũng hỗ trợ để mẹ tròn con vuông. Có trường hợp, sinh xong trên tàu tới Ga Đồng Hới thì chuyển mẹ con sản phụ vào viện. Trong 20 năm qua, chỉ có mỗi năm dịch COVID-19 thì anh mới được đón tết cùng gia đình.

“Đã chọn nghề này thì cũng phải xác định đi xa gia đình, xa con cái. Những năm đầu tiên mới vào nghề, tôi đón giao thừa trên tàu, lúc đó buồn lắm, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ không khí tết. Nhưng nghề vận vào mình thì mình cứ tiếp tục”- anh Huấn chia sẻ.

đường sắt
Nhân viên ngành đường sắt đón giao thừa trên tàu. Ảnh: NVCC

Anh Huấn cho hay, các con của anh cũng đã lớn và hiểu cho bố. Bố không thể ở bên cạnh và mẹ là người gánh vác mọi việc nhà. Mỗi năm anh cùng các anh em trên tàu đón giao thừa và coi đây là ngôi nhà thứ hai.

“Chúng tôi đã quen với những chuyến đi dài nên anh em động viên, hỗ trợ nhau để cùng hoàn thành tốt công việc mà nhà nước đã giao”- anh Huấn nói thêm.

Bà đỡ đẻ trên tàu

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nhân viên phục vụ cũng có hơn 20 năm đón giao thừa trên tàu và người là có kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ cho các phụ sản trên tàu. Khoảng 10 năm về trước chị trở thành bà đỡ đẻ thường xuyên cho các sản phụ đi tàu.

chi-hoa.jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nhân viên phục vụ của tổ tàu. Ảnh: NVCC

“Chúng tôi được học qua các khoá đào tạo dạy về những thao tác sơ cứu cho hành khách, nhân viên toa. Khoảng chục năm về trước tôi đỡ đẻ cho các sản phụ nhiều lắm không đếm nổi”- chị Hoa chia sẻ.

Chị chia sẻ, chị là phụ nữ phải xa gia đình nên con của chị là người thiệt thòi nhất.

“Những ngày này ai ai cũng đều cố gắng về quây quần cùng gia đình. Mình lại là người xách túi đi thì con cũng tủi thân chứ. Nhưng công việc nó thế, con mình đành phải tự lập”- chị Hoa ngậm ngùi nói tiếp: “Mình đã chọn nghề này hơn 20 năm nay rồi, phải yêu nghề theo nghề và công việc cũng mang lại cuộc sống, nguồn thu nhập cho mình. Làm bác sĩ hay CSGT cũng có những ca trực nên ngành này cũng vậy. Tết phải xa nhà thì mình cống hiến cho đất nước, cho xã hội”- chị Hoa nói.

Chị Hoa tâm sự thêm, bố mẹ chị cũng làm trong ngành đường sắt. Nhưng không ai bàn tới chuyện bỏ nghề dù vất vả.

Anh Nguyễn Văn Sơn nhân viên trên tàu cho biết, chuẩn bị bước sang năm 2024, tổ tàu có bốn bạn cùng lớp với tuổi nghề gần 20 năm.

don-giao thua.jpg
Anh Nguyễn Văn Sơn với gần 20 năm kinh nghiệm đón tết trên tàu. Ảnh: NVCC

“Nhiều anh em vào nghề được vài năm, không chịu được những chuyến đi xa, xuyên tết nên bỏ nghề. Nghề này đòi hỏi phải kiên trì. Trước đây cuộc sống của anh em nhân viên đường sắt khó khăn lắm. Chúng tôi mong người dân lựa chọn đường sắt là phương tiện di chuyển. Như vậy chúng tôi mới có thu nhập ổn định và cống hiến cho nghề nhiều hơn”- anh Sơn nói.

Anh Sơn cho biết, các nhân viên trên tàu đều coi đây là gia đình để cố gắng hoàn thành, mọi người cũng cảm thấy vui.

“Vợ chồng, bố mẹ và con cái cũng đã hiểu cho ngành nghề này. Dù vất vả nhưng được lãnh đạo quan tâm thì anh em cũng vui lòng. Khi ngành đường sắt có lượng vận chuyển ổn định thì anh em có thu nhập phù hợp, sẽ càng gắn bó và cống hiến hơn”- anh Sơn nói thêm.

Sẽ đưa gia đình cùng trải nghiệm

Anh Nguyễn Đức Toàn (34 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) hiện đang làm việc tại Hà Nội, luôn chọn đường sắt để di chuyển, trải nghiệm phong cảnh của đất nước.

IMG_0511.JPG
Chuyến tàu SE 5 chở anh Nguyễn Đức Toàn về TP.HCM kịp đón Giao thừa. Ảnh: THY NHUNG

“Tôi đã di chuyển bằng nhiều phương thức khác nhau nhưng tôi vẫn thích trải nghiệm bằng tàu nhất vì nó cảm nhận được vẻ đẹp của đất nước mình”- anh Toàn cho hay.

Anh Toàn cũng cho biết sau này có gia đình, con cái thì anh sẽ cho lũ nhỏ trải nghiệm bằng đường sắt Bắc Nam để các con hiểu và cảm nhận về đất nước mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm