Ông Nguyễn Văn Sổ (ngụ huyện Kế Sách, Sóc Trăng) kể lại: Ngày 26-10-2014, ông cùng bạn bè tổ chức uống rượu. Lúc mọi người đều đã bắt đầu ngà ngà say thì anh Phan Văn Khang (cháu gọi ông Sổ là cậu) vỗ ngực: “Tôi vừa đi nghĩa vụ về, có học được một mớ võ, trong bàn có ai giỏi thì ra đấu võ với tôi”.
Hậu quả đáng tiếc
Trong men rượu lâng lâng, ông Sổ cũng hăng máu, bước ra nhận lời thách đấu. Anh Khang liền lao tới đấm, đá ông Sổ tới tấp. Thấy tình hình không ổn, ông Nguyễn Văn Long (bạn nhậu chung) vội nhào vào can ngăn, ôm anh Khang lại để ông Sổ thoát thân. Tuy nhiên, ông Long bị anh Khang thục cùi chỏ một cái làm té xuống mương. Không dừng lại, anh Khang tiếp tục đuổi theo, túm lấy chân trái của ông Sổ, đưa lên cao rồi bẻ ngang. Thấy ông Sổ ngất xỉu, anh Khang mới dừng tay.
Ngay sau đó, gia đình ông Sổ đã đưa ông đi bệnh viện cấp cứu, đồng thời trình báo sự việc đến công an ấp và yêu cầu xử lý hình sự anh Khang. Sau đó, hồ sơ vụ việc được chuyển đến Công an huyện Kế Sách thụ lý, giải quyết.
“Tôi được chuyển đến BV Cần Thơ để điều trị, được thông báo phải đóng 27 triệu đồng để lên ca mổ gấp. Gia đình tôi không có tiền, vợ con phải chạy lòng vòng bốn ngày mới vay mượn đủ tiền để mổ. Tổng cộng chi phí điều trị hơn 50 triệu đồng. Xuất viện về, tôi vẫn phải tiếp tục tập vật lý trị liệu” - ông Sổ kể.
Bệnh viện chẩn đoán ông Sổ bị bong gân và căng cơ phía trước, phía sau tổn thương dây chằng chéo khớp gối do bị người khác đập, đánh, đá, vặn, cắn, cào. Kết quả giám định pháp y về thương tật của ông Sổ là 16%.
Ông Nguyễn Văn Sổ, người bị cháu bẻ chân trong cuộc đấu võ. Ảnh: T.VÂN
Công an không khởi tố vì cho rằng “vô ý”
Tháng 3-2015, ông Sổ nhận được thông báo không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT Công an huyện Kế Sách. Thông báo này nêu: “Sau khi tiến hành xác minh tố giác về tội phạm do công an xã báo cáo về việc “vô ý gây thương tích”, căn cứ vào khoản 2 Điều 107 BLTTHS, CQĐT đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, lý do: Hành vi không cấu thành tội phạm do tỉ lệ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 16%”. Đồng thời, CQĐT hướng dẫn cho ông Sổ khởi kiện dân sự để yêu cầu anh Khang bồi thường thiệt hại theo quy định.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Chanh (Phó Trưởng Công an huyện Kế Sách) cho biết: Anh Khang lỡ tay làm ông Sổ bị đứt dây chằng, CQĐT nhận thấy hành vi này là vô ý nên đã quyết định không khởi tố vụ án và hướng dẫn ông Sổ khởi kiện dân sự. Hành vi vô ý gây thương tích cho người khác, tỉ lệ thương tật phải từ 31% trở lên thì mới cấu thành tội phạm và bị xử lý theo Điều 108 BLHS.
Đồng tình, ông Lý Chân (Phó Viện trưởng VKSND huyện Kế Sách) cũng cho rằng hành vi của anh Khang là vô ý nên không cấu thành tội phạm. “Sau khi CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án, ông Sổ có đơn khiếu nại gửi đến VKS. Sau khi xem xét đơn khiếu nại của ông Sổ, nhận thấy đã hết thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày ông Sổ nhận được quyết định nên VKS ra thông báo không thụ lý đơn khiếu nại của ông Sổ” - ông Chân cho biết thêm.
Vô ý hay cố ý?
Trao đổi, một số chuyên gia pháp luật lại có quan điểm khác về tội danh áp dụng với hành vi của anh Khang trong vụ việc này. Theo họ, CQĐT phải xem xét xử lý anh Khang về tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS) mới đúng. Với tội này, trong trường hợp thông thường thì chỉ cần thương tật của nạn nhân từ 11% trở lên là xử lý hình sự được.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Thế Cương (Đoàn LS TP.HCM), kết luận của bệnh viện thể hiện cơ chế hình thành vết thương của ông Sổ là do bị người khác đập, đánh, đá, vặn, cắn, cào. Thêm nữa, lúc có người can ngăn, bản thân ông Sổ đã cố gắng thoát thân mà anh Khang vẫn quyết đuổi theo tấn công. Như vậy, hành vi của anh Khang là cố ý thực hiện cho bằng được việc tấn công ông Sổ, bất chấp hậu quả có thể xảy ra.
“Mặt khác, cần phải xét thêm tình tiết là anh Khang có võ thật hay không. Nếu thật sự anh Khang có học võ thì bản thân anh ta phải biết rõ các thế tấn công của mình có thể dẫn đến hậu quả gì. Theo quan điểm của cá nhân tôi, hành vi của anh Khang không thể là vô ý được” - LS Cương nói.
Đồng tình, LS Đặng Trường Thanh (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng hành vi của anh Sang là cố ý gây thương tích. “Để chặt chẽ, CQĐT có thể làm việc với các nhân chứng chứng kiến trực tiếp sự việc, từ đó đánh giá, kết luận được mức độ tấn công của anh Khang đối với ông Sổ ra sao. Có thể trong cơn ngà ngà say, trong lúc muốn thể hiện mình là người có võ, anh Khang đã không làm chủ được hành vi của mình nhưng không vì thế mà anh này thoát trách nhiệm hình sự” - LS Thanh nói.
Vụ việc tưởng đơn giản nhưng gây tranh cãi về tội danh. Hành vi bẻ chân người cậu trong lúc đấu võ của anh Khang là vô ý gây thương tích hay cố ý gây thương tích? Xin mời bạn đọc lên tiếng luận bàn.
Tội cố ý gây thương tích Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật 11%-30%... thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. (Trích khoản 1 Điều 104 BLHS) Tội vô ý gây thương tích Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. (Trích khoản 1 Điều 108 BLHS) Cả hai nhà đều nghèo khó Ông Sổ cho biết vì mình không rành luật pháp nên không biết thời hiệu khiếu nại là gì cả. “Tôi từ một trụ cột lao động trong nhà giờ không còn làm được việc nặng nữa, chỉ quanh quẩn giữ nhà, làm chuyện lặt vặt. Phía gia đình Khang chưa từng bước tới hỏi thăm tôi một câu nào. Có hồi khổ quá, vợ tôi có sang đó đề nghị hỗ trợ phân nửa chi phí điều trị mà họ không đồng ý” - ông Sổ than thở. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vở (mẹ của Khang, cũng là em ông Sổ) nói: “Tôi tin Khang nó không cố tình đâu. Gia đình tôi cũng không khá giả gì. Tôi có gom góp được 12 triệu đồng mang sang nhà đưa cho ông Sổ để phụ tiền thuốc mà bên ấy không nhận. Ông ấy đòi 27 triệu mà tôi không đủ tiền”... |