Thái độ quan quyền

Tòa cho rằng bên bị kiện trong trường hợp này đừng nghĩ mình là cơ quan nhà nước mà quên đi tư cách tham gia tố tụng của mình (xin xem thêm bàiThanh tra Bộ Tài chính thua kiện).

Trước đó, khi thụ lý vụ kiện hành chính, tòa sơ thẩm gửi thông báo đến người bị kiện. Thay vì cung cấp các chứng cứ liên quan cho tòa để bảo vệ quyết định của mình, người bị kiện đã gửi văn bản đến tòa cho rằng hành vi của doanh nghiệp là cố tình trốn thuế. Cơ quan này đề nghị tòa chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi gian lận, trốn thuế của doanh nghiệp… Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho rằng việc gửi đơn đến các cơ quan tố tụng tối cao yêu cầu chỉ đạo phải thế này thế kia của người bị kiện là không đúng Luật Tố tụng hành chính.

Đại diện người bị kiện đã tiếp thu và nói sẽ rút kinh nghiệm.

Còn nhớ tại phiên xử phúc thẩm vụ Công ty An Hóa kiện Cục Hải quan tỉnh Long An vào năm ngoái (cũng do Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử), đại diện bên bị kiện liên tục tỏ thái độ không chuẩn mực trước tòa. Đại diện VKS lẫn tòa phải mấy lần lên tiếng nhắc nhở do nhiều lần tòa hỏi nhưng đại diện bên bị kiện không chịu trả lời. Sau đó, chủ tọa phiên tòa đã lưu ý người bị kiện về thái độ và cách trả lời của mình.

Ngoài ra, khi trả lời đại diện VKS, vị cán bộ hải quan còn xưng hô một cách “tự nhiên chủ nghĩa” bằng “anh, tôi”, nghe rất phản cảm. Tòa phải đề nghị VKS nhận định về cách xưng hô không chuẩn mực này, đồng thời nhắc nhở đại diện bên bị kiện phải tuân thủ cách xưng hô tại tòa cho đúng. Đặc biệt, tòa không chấp nhận việc đại diện bên bị kiện đặt câu hỏi ngược lại với HĐXX, cứ như đại diện hai cơ quan đang… làm việc.

Chốt lại, chủ tọa nhận định đại diện bên bị kiện khi ra tòa có thói quen rất quan quyền.

Có một thực tế là trong hành xử hằng ngày, giữa các cơ quan/cán bộ nhà nước với người dân và doanh nghiệp luôn tồn tại một sự bất bình đẳng. Cán bộ thì nghĩ rằng mình thay mặt cơ quan nhà nước để quản lý, điều hành nên mình có quyền “kẻ cả”, thậm chí bắt nạt dân. Người dân thì nghĩ mình là phận con sâu cái kiến đến “cửa quan” để nhờ vả nên luôn khép mình, khúm núm. Cả hai thái độ đối lập này tuy không văn minh nhưng lại tồn tại một cách “thâm căn cố đế” trong xã hội.

Cho nên khi ra tòa (dân sự, hành chính…), người dân thì theo thói quen vẫn cứ khép nép, rụt rè. Ngược lại, cán bộ khi ra tòa thì vẫn cứ kẻ cả, không chỉ với người kiện mình, kiện cơ quan mình mà còn cả với tòa - người nhân danh Nhà nước để xét xử và ra phán quyết.

Bởi vậy, chủ tọa trong vụ thứ hai từng lên tiếng nhắc nhở đại diện bên bị kiện rằng “dù người ban hành quyết định hành chính quyền to bao nhiêu đi nữa thì quyền lực này vẫn phải bị kiểm soát. Khi tham gia tố tụng, các anh bình đẳng với dân, không thể kẻ cả trên đầu người khác!”.

Nói rộng ra, không chỉ ở tòa mà cả trong đời sống hằng ngày, xét cho cùng người dân và các cơ quan công quyền đều bình đẳng với nhau. Bởi trong một nhà nước pháp quyền, tất cả đều phải hành xử trong khuôn khổ pháp luật.

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới