Muốn chụp ảnh, phải xin phép bị cáo!

Tại phần giải thích nội quy phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa Lê Thường Vụ đã yêu cầu các nhà báo muốn chụp ảnh bị cáo thì phải được sự đồng ý của họ. PV Pháp Luật TP.HCM đã đề nghị Thẩm phán Vụ cho biết căn cứ vào quy định nào thì ông Vụ chỉ giải thích là “phải tôn trọng quyền nhân thân của các bị cáo”. Sau đó PV trực tiếp gặp Phó Chánh án TAND tỉnh Trần Trọng Hữu thì ông Hữu cho biết sẽ làm việc với ông Vụ và trả lời báo chí sau. Kết quả là không nhà báo nào có ảnh của các bị cáo trong khi đây là vụ án được dư luận quan tâm.

Từ vụ việc trên, một vấn đề đặt ra: Theo các quy định hiện hành, báo chí muốn chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa hình sự thì có phải xin phép các bị cáo hay không? Thực tiễn hoạt động chụp ảnh của báo chí tại phiên tòa hình sự ra sao?

Trao đổi, nhiều chuyên gia pháp luật cho biết Luật Báo chí và Nghị định 51/2002 của Chính phủ (hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí) cho phép nhà báo: “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai”. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002 còn cho phép: “Cơ quan báo chí được phép đăng, phát hình ảnh các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án…”.

Tuy nhiên, BLTTHS lại không có quy định về việc báo chí chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa. Nội quy phiên tòa hiện nay (ban hành theo Thông tư số 01/2014 của TAND Tối cao) cũng chỉ quy định chung chung là nhà báo ghi âm, ghi hình phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự không quy định nhưng Luật Báo chí cho phép nhà báo chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa. Mặt khác, hiện không hề có quy định nào buộc nhà báo phải xin phép bị cáo mới được chụp ảnh họ tại phiên tòa. Trên thực tế, với các phiên xử các bị cáo bình thường, hầu như các tòa đều không can thiệp vào việc nhà báo chụp ảnh bị cáo, chụp ảnh phòng xử. Tuy nhiên, với một số phiên xử các bị cáo nguyên là quan chức, có tòa không cho nhà báo chụp ảnh hay bắt nhà báo phải xin phép bị cáo như trong phiên sơ thẩm xử vụ tham nhũng tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau.

Vậy quan điểm của các chuyên gia, nhà báo về vấn đề này ra sao? Nên quy định theo hướng nào để áp dụng thống nhất? Xin mời bạn đọc tiếp tục theo dõi trên Pháp Luật TP.HCM ra ngày 21-8.

TRẦN VŨ - THANH TÙNG

Bị cáo vu khống để phục vụ việc tranh chức?

Tại phiên xử hôm qua liên tục xảy ra trục trặc về phía bị cáo Tâm khiến HĐXX phải tạm dừng nhiều lần. Buổi sáng, luật sư của Tâm không đến, HĐXX tạm dừng một tiếng để bị cáo và gia đình liên hệ luật sư. Sau một tiếng, luật sư vẫn không đến nên chủ tọa tiếp tục điều hành phiên xử với lý do tội danh của Tâm không thuộc trường hợp bắt buộc phải có luật sư. Tuy nhiên, Tâm kêu nhức đầu, không thể trả lời các câu hỏi của HĐXX. Bác sĩ trại tạm giam được mời đến cũng không làm cho bị cáo đủ khỏe để trả lời tòa.

Sau đó phiên xử được tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Phương và những người tham gia tố tụng khác. Có mặt tại tòa với tư cách là nạn nhân và là người có quyền lợi liên quan, bà Chung Ngọc Nhãn (nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) đã khóc khi xin rút lại yêu cầu xử lý tội vu khống với Phương với lý do thấy Phương đã chịu nhiều khổ sở (bị tạm giam)...

Bị cáo Phương thừa nhận với HĐXX về hành vi vu khống nhưng không thừa nhận hành vi đưa hối lộ như cáo trạng truy tố. Phương khai việc Phương nói đã chi cho bà Nhãn 575 triệu đồng (5% giá trị gói thầu Phương trúng), chi cho Tâm 200 triệu đồng, chi cho đơn vị giám sát 1% là do bà BLO (cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau) sắp đặt nhằm phục vụ việc tranh chức quyền tại sở này...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm