Chụp ảnh bị cáo tại tòa, nên hay không?

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên số báo trước, pháp luật tố tụng hình sự không quy định nhưng Luật Báo chí cho phép nhà báo chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa. Hiện nay cũng không có quy định nào buộc nhà báo phải xin phép bị cáo thì mới được chụp ảnh họ. Về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia chia thành hai luồng ý kiến đối lập.

Nên xin phép?

TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) và kiểm sát viên Nguyễn Kim Tiếng (Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM) đều cho rằng báo chí muốn chụp ảnh bị cáo tại phiên tòa thì phải xin phép họ. Đây là vấn đề liên quan đến quyền con người đã được hiến định nên khá nhạy cảm. Quyền về hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân nên dù là phiên tòa hình sự hay dân sự… thì cũng phải được họ đồng ý, báo chí mới được phép chụp ảnh và sử dụng.

TS Oanh phân tích: Theo Điều 9 BLTTHS, một người chưa bị coi là có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa tuyên họ có tội. Theo Điều 28, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39 BLHS, bị cáo chỉ bị hạn chế hoặc bị tước bỏ một số quyền dân sự như cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định... Không hề có quy định nào tước bỏ quyền đối với hình ảnh của một người dù họ đang là kẻ phạm tội. Như vậy, bị cáo tại phiên tòa vẫn có quyền đối với hình ảnh của mình và chúng ta nên bảo vệ quyền này cho họ.

Ông Tiếng bổ sung: “Hôm nay họ là bị cáo đứng trước vành móng ngựa nhưng chưa hẳn đã có tội vì có thể một thời gian sau đó, chính cơ quan tố tụng sẽ tuyên bố họ vô tội. Khi đó, hình ảnh của bị cáo đã được đăng tải tràn lan trên báo chí, mạng Internet và sẽ rất khó khắc phục thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Lúc này quyền nhân thân về hình ảnh của các bị cáo ấy đã bị xâm hại một cách nghiêm trọng, ai phải chịu trách nhiệm?”.

Các nhà báo đang chụp ảnh bị cáo tại một phiên tòa hình sự. Ảnh: T.TÙNG

Quyền tác nghiệp theo luật định?

Ở góc nhìn khác, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng việc nhà báo đưa tin, hình ảnh về phiên tòa suy cho cùng cũng nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, cùng ngành tòa án thực hiện nhiệm vụ răn đe, phòng ngừa tội phạm. Quyền cá nhân đối với hình ảnh tại Điều 31 BLDS là ngăn ngừa những hành vi xâm phạm vào đời tư người khác nhưng phiên tòa hình xử công khai là xét xử hành vi phạm tội của bị cáo và việc thông tin tại phiên tòa là về diễn biến hành vi của tội phạm. Nhà báo có tường thuật, chụp ảnh cũng là theo diễn biến phiên tòa chứ không mang tính chất xâm phạm đời tư và các thông tin lúc này cũng không mang tính riêng tư nữa. “Việc báo chí chụp ảnh bị cáo tại tòa không mâu thuẫn với quyền nhân thân của bị cáo mà thuộc quyền tác nghiệp của nhà báo theo Luật Báo chí. Việc các tòa yêu cầu xin phép như trên có thể coi là hành vi làm khó báo chí, là rào cản hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo” - luật sư Đức khẳng định.

ThS Hoàng Xuân Phương (giảng viên khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng nhận xét: “Việc các tòa buộc nhà báo phải xin phép bị cáo khi chụp ảnh là quá đáng nếu đối chiếu với quy định của Luật Báo chí”. Bị cáo là người có dấu hiệu phạm tội trong khi chức năng của báo chí là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Muốn vậy, báo chí phải được tạo điều kiện để tác nghiệp và thông tin, trong đó có cả việc ghi âm, chụp ảnh. Việc chụp ảnh bị cáo chỉ là một khâu trong quá trình tác nghiệp lấy thông tin để cho ra một sản phẩm báo chí. Thiếu hình ảnh của bị cáo là thiếu đi sự sinh động, hấp dẫn của bài báo, làm giảm hiệu quả tuyên truyền pháp luật. Bởi nó là thứ có thật và đang diễn tả cảm xúc của bị cáo tại tòa, có khi một gương mặt hối hận, một ánh mắt đau buồn sẽ khiến người đọc cảm thông với bị cáo và ngược lại.

Đồng tình, nhà báo Phạm Dũng (chuyên viết mảng pháp đình của báo Người Lao Động) nói rất nhiều vụ án bị cáo bị bắt quả tang, chứng cứ buộc tội đầy đủ, hành vi phạm tội rõ ràng thì việc báo chí chụp ảnh, đăng ảnh là cần thiết, cần gì phải hạn chế? Thử hỏi có bị cáo nào đứng trước vành móng ngựa mà muốn hình ảnh của mình đăng trên báo? Vì vậy, nếu cứ lấy lý do ngăn cản thì hiệu quả tuyên truyền pháp luật của báo chí sẽ bị hạn chế.

THANH TÙNG

Một số vụ chụp ảnh phải xin phép bị cáo

Sáng 19-8, TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm vụ tham nhũng tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh này với hai bị cáo Nguyễn Trung Tâm (nguyên phó phòng Kế hoạch Tài chính Sở LĐ-TB&XH, về tội nhận hối lộ) và Lê Thanh Phương (nhà thầu xây dựng, về hai tội đưa hối lộ và vu khống). Phần thủ tục, chủ tọa yêu cầu các nhà báo muốn chụp ảnh bị cáo thì phải được sự đồng ý của họ với lý do “phải tôn trọng quyền nhân thân của các bị cáo”.

Trước đây, trong phiên xử nguyên thư ký TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) Trương Ngọc Hạnh về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do có hành vi vòi tiền "chạy án", chủ tọa phiên tòa cũng yêu cầu các phóng viên muốn chụp ảnh bị cáo thì phải xin phép bị cáo. Năm 2005, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ nguyên thẩm phán Nguyễn Thị Hường của tòa này nhận tiền "chạy án", trước giờ xử, thư ký phiên tòa đọc nội quy: “Các phóng viên được phép chụp toàn cảnh phiên tòa nhưng nếu chụp ảnh bị cáo thì phải được sự cho phép của bị cáo”. Sau đó, các nhà báo chụp toàn cảnh phiên tòa cũng chỉ được chụp từ dưới lên…

Cần hướng dẫn theo Luật Báo chí

Xưa nay ngồi xét xử, dù bị cáo là ai thì tôi cũng luôn cho nhà báo chụp ảnh thoải mái. Cái đích của hoạt động xét xử hình sự là trừng trị, răn đe và tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Báo chí tác nghiệp tại tòa cũng cùng chung mục đích ấy, thế thì vì sao chụp ảnh phải hỏi ý kiến bị cáo? Theo tôi, trong phiên tòa hình sự nên phân biệt hai dạng đối tượng: Nếu họ là những người liên quan, nhân chứng, giám định, phiên dịch… thì phải bảo vệ tuyệt đối quyền hình ảnh cho họ, còn là bị cáo bị xét xử thì không cần. Vì bị cáo đang bị xét xử về hành vi vi phạm pháp luật thì cần được phổ biến tin tức, hình ảnh để người khác sợ mà không dám vi phạm.

Tôi nghĩ đã đến lúc TAND Tối cao phải có hướng dẫn để thống nhất việc này theo tinh thần Luật Báo chí đã quy định. Bởi Luật Báo chí và Nghị định 51/2002 của Chính phủ (hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí) đều cho phép nhà báo: “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai”. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002 còn cho phép: “Cơ quan báo chí được phép đăng, phát hình ảnh các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án…”.

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,
Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm