Bí thư thường trực Bộ Lao động Somkiat Chayasriwong cho biết, trong giai đoạn đầu các công dân ASEAN sẽ được cấp giấy phép lao động trong 25 lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với thỏa thuận chung về di chuyển của con người trong ASEAN.
Các lĩnh vực nghề nghiệp sẽ dễ được cấp giấy phép lao động như cơ khí, tin học, nghiên cứu và phát triển, quảng cáo, nghiên cứu thị trường, quản lý, nông nghiệp, viễn thông, giáo dục, tài chính, y tế, dịch thuật, xây dựng và dịch vụ vận tải.
Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp đang được áp dụng trên toàn Thái Lan sẽ là công cụ chính được sử dụng làm tiêu chí để cấp giấy phép lao động cho các công dân ASEAN nhằm đảm bảo chất lượng lao động được phép làm việc ở Thái Lan.
Bộ Thương mại và Bộ Lao động Thái Lan sẽ phối hợp với Trung tâm chứng nhận hệ thống quản lý của nước này để đưa ra các biện pháp cho phép nhập cư tạm thời trong thời gian kiểm tra, phân loại lao động.
Thái Lan là nơi sản xuất và cũng là thị trường lớn nhất về ôtô trong ASEAN, do vậy, nước này rất cần lao động cho ngành công nghiệp ôtô.
Nội các Thái Lan cũng đã thông qua chiến lược phát triển lao động có tay nghề phục vụ cho ngành công nghiệp ôtô giai đoạn 2013-2020.
Các chiến lược này gồm nâng cao tiêu chuẩn tay nghề và nghề nghiệp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trong thị trường lao động, thiết lập cơ sở phát triển nguồn nhân lực ở cấp trung và cao trong ngành công nghiệp ôtô.
Theo số liệu thông kê của Liên đoàn công nghiệp Thái Lan, nước này cần khoảng 130.000 lao động cho ngành công nghiệp ôtô trong vòng 5 năm tới.
Ngoài con số này, Thái Lan đang rất cần khoảng từ 50.000 đến 60.000 lao động có bằng cao học và 10.000 người có bằng cử nhân trong các lĩnh vực nghề nghiệp nói trên.
Theo Hà Linh (TTXVN)